STNN - Pháp là một quốc gia nông nghiệp rộng lớn, ứng dụng công nghệ với trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, đất nước này tập trung vào việc bảo vệ môi trường nông nghiệp và có thể coi là biểu tượng cho mô hình nông nghiệp tiên tiến của châu Âu.
Nơi hội tụ của những triển lãm nông nghiệp quốc tế lớn
Triển lãm Nông nghiệp quốc tế SIA (Salon International de l'Agricultural), được tổ chức tại Paris vào tháng 2 hằng năm, là sự kiện lớn và quan trọng nhất trên thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp, trưng bày những thành tựu công nghệ nông nghiệp mới nhất và thiết bị nông nghiệp tiên tiến nhất cho những người thực hành nông nghiệp toàn cầu, bao gồm: công nghệ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các sản phẩm liên quan.
Vào đầu mỗi năm, Triển lãm SIVAL (Salon International des productions Végétales - một triển lãm về ngành sản xuất và sản phẩm thực phẩm từ cây trồng) được tổ chức tại Angers, Pháp. Đây là một triển lãm toàn diện trong lĩnh vực trồng trọt, bao gồm chuỗi cung ứng từ hạt giống, rau củ quả, phân bón và thuốc trừ sâu, công nghệ nhà kính, quản lý đất, hệ thống tưới tiêu và chiếu sáng, máy móc nông nghiệp, đóng gói và sắp xếp sản phẩm, dây chuyền lạnh và các yếu tố liên quan khác.
Ngành nông nghiệp thực phẩm của Pháp có các thế mạnh truyền thống như năng suất nông nghiệp cao và các tổ chức nghiên cứu khoa học hiệu quả. Chính phủ có kế hoạch đầu tư 200 triệu Euro trong 5 năm để hỗ trợ các dự án đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục đích là giúp các công ty khởi nghiệp khai thác tiềm năng, giải quyết các trở ngại để phát triển; đưa Pháp trở thành nước dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực tương ứng và là một trung tâm quan trọng của công nghệ nông nghiệp trên thế giới.
Hướng tới tương lai, tăng tốc sáng tạo
Ngành sản xuất thực phẩm nông nghiệp tại Pháp đã không ngừng phát triển mạnh mẽ Trong những năm gần đây, việc rút ngắn chuỗi cung ứng và tập trung vào nguồn cung nội địa đã trở thành một xu hướng. Pháp đứng thứ hai tại châu Âu về đầu tư trong lĩnh vực này. Các công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm tại Pháp đang đưa ra các giải pháp sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thực phẩm một cách minh bạch, lành mạnh và bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Ví dụ, LISAqua một công ty khởi nghiệp ở Nantes, đã phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản bền vững được cấp bằng sáng chế để nuôi tôm. Hệ thống này hoạt động bằng cách kết hợp các loài sinh vật trong môi trường nuôi tôm, tạo ra một hệ thống giống hệ sinh thái biển tự nhiên. Ngoài ra, nó có khả năng tự động xử lý chất thải và làm sạch nước, nhờ đó có khả năng tiết kiệm lượng nước lên đến 99% so với phương pháp nuôi tôm truyền thống, tạo ra một hệ thống nuôi tôm hiệu quả về mặt tài chính và môi trường.
Pháp nhập khẩu 80.000 tấn tôm đông lạnh nhiệt đới mỗi năm và LISAqua cung cấp loại tôm "ba không" độc nhất - không sử dụng kháng sinh, khoảng cách vận chuyển đến thị trường bằng không và không phát thải ô nhiễm. Trang trại nuôi tôm ở Nantes có diện tích 2.000m2, sản xuất 10 tấn tôm mỗi năm để bán tại địa phương và rất được khách hàng ưa chuộng. Mục tiêu đến năm 2030 là triển khai 20 đến 40 trang trại ở Pháp với sản lượng 10.000 tấn.
Đến năm 2050, theo dự tính sẽ có 80% dân số Pháp sẽ sống ở đô thị. Trang trại thẳng đứng, vườn trên mái và trang trại đô thị là trọng tâm của các dự án phát triển đô thị mới trong những năm gần đây. Đưa trang trại vào thành phố có nghĩa là tạo ra không gian xanh và môi trường sống thúc đẩy đa dạng sinh học. Việc thay thế những mái nhà khô, đen bằng thiên nhiên xanh, tươi tốt và ẩm ướt có thể chống lại hiệu ứng đảo nhiệt của thành phố một cách hiệu quả hơn (hiệu ứng này xảy ra khi nhiệt độ không khí ở bề mặt đất/gần mặt đất cao hơn so với nhiệt độ không khí ở một độ cao cụ thể và thường xuất hiện vào ban đêm hoặc trong những ngày không nắng), đồng thời cung cấp cho cư dân đô thị những nguyên liệu tươi ngon, tốt cho sức khỏe.
Tại các thành phố lớn ở Pháp, các cuộc thử nghiệm trang trại đô thị đang được thực hiện để xem xét khả năng thực hiện nông nghiệp trong các khu vực đô thị với quy mô lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm và tạo ra các hệ thống nông nghiệp hiệu quả bên trong các khu vực đô thị lớn.
Trang trại Nu-Paris ở Quận 15 của Paris là trang trại đô thị lớn nhất châu Âu, nằm trên nóc Sảnh 6 của Trung tâm Hội nghị và Triển lãm với diện tích 14.000m2. Trang trại này kết hợp các phương pháp khí canh và thủy canh tiên tiến, hơn 30 loại trái cây và rau quả được trồng ở đây mà không sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, với công suất sản xuất lên tới 1 tấn mỗi ngày... Các trang trại đô thị này có tiềm năng sẽ làm thay đổi cách cung cấp thực phẩm của thành phố.
Kiểm tra chặt chẽ, chất lượng trên hết
Sản lượng và giá trị sản lượng nông nghiệp của Pháp đứng đầu châu Âu, sản lượng ngũ cốc của nước này chiếm 1/2 sản lượng ngũ cốc của châu Âu, là nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất trong EU và là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Ngoài ra, nông sản Pháp được đánh giá cao về chất lượng. Các loại nguyên liệu phong phú, tươi ngon, chất lượng cao và an toàn là một phần không thể thiếu của nghệ thuật sống theo phong cách Pháp.
Để mang đến cho người tiêu dùng sự hiểu biết toàn diện và rõ ràng hơn về chất lượng nông sản và thực phẩm, chính phủ Pháp đã chú trọng việc xây dựng các tiêu chuẩn khoa học và chi tiết, được duy trì thông qua các quy trình kiểm tra và quản lý sản xuất nghiêm ngặt và được tích cực quảng bá trên toàn thế giới. Việc thực hiện các tiêu chuẩn này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn của nông sản, đồng thời có tác động tích cực đến khả năng cạnh tranh của nông sản Pháp trên thị trường toàn cầu.
Ví dụ, Pháp có tiêu chuẩn xuất xứ AOC (Appellation d'Origine Contrôlée - được kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ). Các sản phẩm có nhãn hiệu AOC được bảo vệ chặt chẽ và chỉ được sản xuất trong vùng địa lý cụ thể, theo quy trình truyền thống và tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Điều này giúp bảo vệ danh tiếng và chất lượng của sản phẩm đối với người tiêu dùng và đảm bảo rằng họ nhận được sản phẩm đúng chất lượng và xuất xứ như quảng cáo.
Tương tự, Pháp cũng có tiêu chuẩn nhãn đỏ (Label Rouge), trong đó có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mùi vị, hình thức, độ tươi của nông sản và có quy định rõ ràng về sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển.
Vùng Loire là vùng có nhiều sản phẩm nhãn đỏ nhất ở Pháp và là vùng sản xuất nhiều thực phẩm hữu cơ nhất. Nông nghiệp của vùng tập trung vào chất lượng và nổi tiếng về sự đa dạng trong sản xuất nông nghiệp. 35% gà được dán nhãn "Red Label" (nhãn đỏ), "Organic" (hữu cơ) hoặc "Farm" (nông trại) của Pháp được sản xuất ở đây, cùng với 31 loại sản phẩm được chứng nhận nguồn gốc AOC/AOP, 19 loại sản phẩm có chỉ dẫn địa lý được bảo vệ "IGP" (Indication Géographique Protégée) cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về xuất xứ của sản phẩm, cách sản xuất; và tổng cộng 3.182 trang trại hữu cơ.
Pháp có 2,55 triệu ha đất nông nghiệp được canh tác hữu cơ, trở thành quốc gia có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất ở châu Âu. Tại Pháp, vùng Loire đứng đầu về số lượng gà thịt hữu cơ, thứ hai về số lượng gà đẻ, lợn nái, bò sữa và bò sữa hữu cơ, đồng thời cũng có nhiều trang trại trồng hữu cơ.
Tại Pháp, để sản phẩm được gọi là "hữu cơ" thì ít nhất 95% của các thành phần chủ yếu được sử dụng để sản xuất sản phẩm đó phải có xuất xứ từ nông nghiệp hữu cơ. Thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, GMO và dẫn xuất GMO đều bị cấm trong các sản phẩm hữu cơ. Các nông trại hữu cơ cần đảm bảo tách biệt về thời gian và không gian với các nông trại truyền thống để chắc chắn rằng, sản phẩm hữu cơ không chứa các hợp chất từ nông nghiệp truyền thống.
Điều kiện nuôi phải đảm bảo tốt cho sức khỏe của vật nuôi, bao gồm động vật có đủ không gian cho hoạt động và đủ không gian ngoài trời để thỏa mãn các nhu cầu của chúng. Điều này là để đảm bảo rằng vật nuôi được nuôi trong môi trường lành mạnh và tự nhiên, không bị áp lực hay căng thẳng.
Ít nhất mỗi năm một lần, cơ quan chứng nhận được Viện Xuất xứ và Chất lượng Quốc gia Pháp (INAO) phê duyệt tiến hành kiểm tra có hệ thống đối với nhà sản xuất, nhà chế biến, nhà phân phối, nhà nhập khẩu… nhằm đảm bảo rằng các quy định về sản xuất hữu cơ và sử dụng nhãn hữu cơ được tuân thủ nghiêm túc. Các sản phẩm hữu cơ cũng được kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu bằng cách lấy mẫu, sau đó được phòng thí nghiệm phân tích.
Lương thực là thứ quan trọng nhất đối với con người, sự phát triển và chuyển đổi của nông nghiệp có liên quan mật thiết đến mỗi chúng ta. Như Tổng thống Pháp Macron đã nói: "Công nghệ kỹ thuật số, robot và di truyền là những trụ cột của nông nghiệp hiện đại. Chúng tôi hy vọng sẽ chuyển đổi thêm nhiều trang trại thành các công ty khởi nghiệp về công nghệ và thúc đẩy phát triển nông nghiệp kỹ thuật số bằng cách nâng cao khả năng đổi mới và khả năng cạnh tranh".
Huyền Diệu (theo Quan sát nông nghiệp)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nong-nghiep-phap-co-xe-hai-cau-cong-nghe-chat-luong-a24319.html