STNN - Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải Tây Ban Nha đã công bố thực hiện thành công việc nhân giống nhân tạo cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương. Đây được xem như một bước đột phá có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo tính bền vững cho nghề khai thác cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương.
Bước đột phá lịch sử của ngành nuôi trồng thủy sản
Trong họ cá ngừ vây xanh, có ba thành viên có giá trị đánh bắt thương mại cao: cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương, cá ngừ vây xanh miền Nam và cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc nhân giống nhân tạo hoàn chỉnh cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương và cá ngừ vây xanh phía Nam, nhưng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương vẫn chưa đạt được điều này. Hơn hết, cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương là nguyên liệu hàng đầu được sử dụng trong món sushi Nhật Bản, có giá trị thương mại cực cao. Những con cá có trọng lượng lớn có thể bán với giá cao ngất ngưởng trên thị trường đấu giá. Nhưng cũng chính vì mặt hàng này đem lại giá trị kinh tế cao nên dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức nghiêm trọng khiến quần thể cá ngừ vây xanh giảm mạnh đến 80% ở một số khu vực.
Với việc thành công nhân giống nhân tạo cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương, ngành công nghiệp cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương chính thức làm chủ được tiến độ nuôi trồng thay vì phải đánh bắt cá con tự nhiên, sau đó vỗ béo chúng trong lồng dưới biển. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung trứng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương không còn phụ thuộc vào mùa sinh sản tự nhiên như trước đây nữa.
Nhân giống nhân tạo cá ngừ vây xanh – Hành trình khó nhưng nỗ lực là có thành công
Để duy trì tính bền vững của nghề khai thác cá ngừ, năm 2015, Trung tâm nghiên cứu Hàng hải Tây Ban Nha đã hợp tác với doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản địa phương Mazarrón để tiến hành dự án nuôi cá ngừ trên đất liền. Trong giai đoạn đầu của thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng trứng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương được thu thập từ các trang trại ngoài khơi để nghiên cứu. Tuy nhiên, do những nguyên nhân như: điều kiện biển kém, điều kiện môi trường kèm theo sự hiện diện của động vật săn mồi ở biển đã tạo nên một rào cản vô cùng lớn đối với các nhà nghiên cứu trong việc thu thập trứng cá. Vì vậy, trung tâm nghiên cứu đã quyết định xây dựng cơ sở chăn nuôi quy mô lớn để theo dõi tình hình sinh sản của cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và dễ dàng thu thập trứng cá.
Aurelio Ortega, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cốt lõi của Mazarrón, cho biết: “Chúng tôi hiện có khoảng 2.000 đến 3.000 ấu trùng cá ngừ, mỗi con nặng khoảng 5 đến 10gram và phải mất từ 2 đến 3 năm để phát triển lên 30 đến 40kg". Theo kế hoạch, nhà máy sẽ cung cấp trứng cá ngừ thụ tinh và ấu trùng cá ngừ cho các công ty chăn nuôi thương mại mới thành lập. Các công ty này sẽ hoàn thành nốt khâu vỗ béo, đánh bắt và tiếp thị cá ngừ.
Để theo dõi cá ngừ ở cự ly gần trong thời gian dài, một hệ thống nuôi nước tuần hoàn đặc biệt đã được chế tạo trong nhà máy gồm 4 ao nuôi nước tuần hoàn với tổng sức chứa 7 triệu lít nước biển. Trong đó, ao nuôi lớn nhất có đường kính 22m, độ sâu 10m. Thông thường, mùa sinh sản tự nhiên của cá ngừ là từ tháng 6 đến tháng 7 và kéo dài khoảng 45 ngày. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu khoa học đã thành công trong việc kéo dài thời gian sinh sản lên đến 60 ngày hoặc hơn bằng cách kiểm soát các yếu tố sinh sản tự nhiên như nhiệt độ nước và ánh sáng cũng như các phương pháp kích thích sinh sản khác (điển hình như phương pháp cấy hormone tổng hợp vào cá cái). Bằng cách cấy hormone tổng hợp vào cá cái, chúng được kích thích sinh sản và thụ tinh. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã thu hoạch thành công hàng trăm nghìn quả trứng được thụ tinh trong vòng 48 giờ và gần 3 triệu quả trứng trong vòng 72 giờ. Đây cũng chính là lần đầu tiên việc nhân giống nhân tạo cá ngừ vây xanh được thực hiện thành công trên đất liền. Điều đó cũng có nghĩa là nguồn cung trứng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương không còn phụ thuộc vào mùa sinh sản tự nhiên như trước đây.
Chăn nuôi thương mại kết hợp với cân bằng sinh thái
Sau khi Trung tâm nuôi trồng thủy sản Mazarrón do chính phủ điều hành ở Murcia Tây Ban Nha, công bố bước đột phá trong nuôi cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương, Next Tuna (công ty nuôi trồng thủy sản của Đức) cho biết, họ có kế hoạch bắt đầu xây dựng một trang trại cá ngừ ở phía Bắc Valencia. Trang trại sẽ được sử dụng để nuôi cá ngừ với trọng lượng đến 10kg. Ngoài ra, Công ty Nortuna của Na Uy cũng đã ký thỏa thuận với Mazarrón để thành lập cơ sở chăn nuôi thí điểm của công ty ở Cape Verde, trên bờ biển phía Tây châu Phi.
Paul Sindilariu, đồng sáng lập Next Tuna cho biết, kế hoạch nuôi trồng của công ty bao gồm "một hệ thống khép kín, nơi dẫn nước biển vào, nhưng không thoát ra ngoài, do đó sẽ không ảnh hưởng đến môi trường". Ông cho biết, mô hình của công ty được gọi là hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, tức là sẽ sử dụng các bể nổi trên biển thay vì ở trong biển. Điều này tạo thuận lợi cho công ty trong việc kiểm soát chất lượng nước và điều kiện nhiệt độ theo cách tương tự như phòng thí nghiệm.
Andrew Eckhardt, người chịu trách nhiệm lựa chọn địa điểm và tài trợ cho Next Tuna, cho biết: “Hệ thống này phải thân thiện với cá ngừ. Để cá ngừ cảm thấy thoải mái, đòi hỏi mật độ thả cá của chúng tôi sẽ rất thấp, dưới 10kg (trọng lượng của cá)/m3”.
Công ty cho biết, họ có kế hoạch thiết lập chương trình nhân giống của riêng mình và bán cá con cho các trang trại “nuôi” để vỗ béo và tiếp thị. Nó nhằm mục đích đưa lô cá đầu tiên từ bể chứa tại trung tâm nghiên cứu đến một địa điểm mới ở cảng Castellón de la Plana (Cộng đồng Valencia, Tây Ban Nha) vào năm tới với mục tiêu bán khoảng 45 tấn cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương con vào năm 2025 và 1.200 tấn vào năm 2028.
Nhiều công ty nuôi cá ngừ đại dương thương mại tin rằng, càng nhiều cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương được nuôi hoàn toàn trong lồng thì càng ít cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương hoang dã bị đánh bắt để vỗ béo hoặc tiêu thụ ngay, từ đó làm giảm tác động đến nguồn lợi hải sản, đều có lợi cho con người và thiên nhiên.
Hải Âu (TH)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/buoc-dot-pha-lon-tay-ban-nha-nuoi-thanh-cong-ca-ngu-vay-xanh-dai-tay-duong-tren-dat-lien-a24575.html