STNN – Góp ý về ĐTM của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, một số ý kiến cho rằng không nên đụng chạm gì đến Vườn quốc gia Núi Chúa hoặc nếu triển khai thì các hoạt động phải không được làm ảnh hưởng xấu tới bảo tồn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và cuộc sống của cộng đồng.
Gần 12ha đất rừng phải “nhường chỗ” cho khu nghỉ dưỡng
Như chúng tôi đã thông tin, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) đã công khai tham vấn cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam (Công ty Syrena Việt Nam - Thành viên của BIM Group) làm chủ đầu tư. Dự án này được thực hiện với quy mô 64,65ha với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.
Theo đó, tại ĐTM của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy mà Bộ TN-MT công khai tham vấn cộng đồng lại chỉ rõ rất nhiều khu vực chịu ảnh hưởng từ công trình trong quá trình thi công và hoạt động. Trong đó, có không ít các tác động đến hệ sinh thái nông nghiệp, cảnh quan tại khu vực này và tác động đến cả hệ sinh thái của Vườn quốc gia Núi Chúa.
Cụ thể, vị trí xây dựng dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hệ sinh thái nông nghiệp, cảnh quan tại vịnh Vĩnh Hy. Đây là nơi trú ngụ, tránh bão của các tàu cá của các ngư dân, là nơi có rạn san hô phong phú cùng với các loài thuỷ sản đa dạng.
Bên cạnh đó, các đầm nuôi hải sản của người dân và hàng loạt suối, hồ là nguồn cấp nước cho khu vực, cùng với các khu vực như: nghĩa trang của người dân xã Vĩnh Hải (cách 100m về phía Đông Bắc); Dân cư khu vực xã Vĩnh Hải, trường mầm non Vĩnh Hải (cách 600m về phía Tây); Đồn biên phòng Vĩnh Hy (cách 700m về phía Tây) sẽ chịu tác động trực tiếp và gián tiếp bởi quá trình thi công và hoạt động của dự án do Công ty Syrena Việt Nam làm chủ đầu tư.
Đáng chú ý, tại ĐTM được Bộ TN-MT công khai tham vấn cộng đồng có thể hiện một phần khu đất thực hiện dự án thuộc khoảnh 5, tiểu khu 150 có 11,58ha diện tích rừng (rừng tự nhiên 10,6ha; rừng trồng 0,98ha) do Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa quản lý.
Mặt khác, ĐTM được công khai tham vấn cũng cho thấy, quá trình thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến 4 loài thực vật có giá trị bảo tồn có tên trong IUCN 2016, Sách đỏ Việt Nam (2007), Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và nằm trong danh mục CITES (2017). Ảnh hưởng đến các loài động vật có giá trị bảo tồn bao gồm Diều hoa Miến Điện ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ đều ở nhóm IIB (Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).
Ngoài ra, ĐTM của dự án cũng nhận định, trong quá trình thi công, việc phá rừng, đào bới, san lấp, kèm theo tiếng ồn, sự ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí sẽ làm thay đổi đáng kể thành phần loài tại khu vực dự án và lân cận (thường là bị suy giảm vì nhiều loài bị giết hại hoặc phải di chuyển đi nơi khác do sinh cảnh sống của chúng bị xoá sổ hoặc bị xáo trộn, không còn thích hợp để sinh sống).
Tác động đến các loài hiếm/nguy cấp khu vực dự án có một số loài nằm trong danh mục bảo tồn như đã nêu ở trên. Do vậy, việc thi công dự án sẽ làm mất sinh cảnh, gây cản trở sự di chuyển để tìm kiếm thức ăn, bạn tình trong mùa sinh sản, làm đảo lộn các tập tính của các loài động vật bao gồm cả các loài quý hiếm.
Không nên đụng đến rừng của Vườn quốc gia Núi Chúa
Liên quan đến bản ĐTM của dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, trao đổi với báo chí, GS.TSKH Đặng Trung Thuận - Giảng viên cao cấp Khoa Địa chất của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Vườn quốc gia Núi Chúa với thảm thực vật đặc trưng cho vùng khô hạn, nó là độc nhất của cả Việt Nam. Vì thế, chúng ta không nên đụng chạm gì đến rừng của Vườn quốc gia Núi Chúa.
Bởi, theo đánh giá của GS.TSKH Đặng Trung Thuận thì Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi có đặc trưng rừng khô hạn ven biển duy nhất ở Việt Nam. Trong khi đó, tỉnh Ninh Thuận là địa phương khô hạn nhất nước, với lượng mưa trung bình năm chỉ 700mm/năm, đây là lượng mưa trung bình thấp nhất của một địa phương so với các địa phương khác trong cả nước. Do vậy, còn rừng là còn dòng chảy, dù rất nhỏ nhưng rất quan trọng trong hệ sinh thái, môi trường của khu vực ven Vườn quốc gia Núi Chúa nói riêng và cả tỉnh Ninh Thuận nói chung.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định: “Chúng ta không được đụng chạm và không nên đụng chạm gì đến rừng khô hạn duy nhất ở Việt Nam, thậm chí phải bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị rừng ở khu vực này. Nếu muốn làm phải báo cáo xin phép Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để được cho biến đổi rừng của Vườn quốc gia. Nếu được cơ quan này đồng ý lúc đó mới được làm kinh tế trong Vườn quốc gia”.
Trước đó, Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa cũng đã chủ trì, phối với các cơ quan, đơn vị liên quan tham vấn ý kiến của Ủy ban UNESCO Việt Nam và Ủy ban quốc gia con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với các điều khoản cam kết quốc tế khi được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và đúng quy định pháp luật hiện hành.
Ngày 15/02/2023, MAB Việt Nam có văn bản phản hồi khuyến nghị về Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy nói riêng, cũng như các dự án du lịch sinh thái nói chung được thực hiện nằm trong phân khu dịch vụ hành chính của Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa (vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa), cần thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách cẩn trọng, hết sức lưu ý các tác động tiềm tàng tới môi trường trong quá trình tổ chức xây dựng và đưa vào hoạt động, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường quá mức hay tác động tiêu cực đến hệ sinh thái trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.
Đến ngày 22/3/2023, Ủy ban UNESCO Việt Nam cũng có văn bản phản hồi nêu quan điểm của tổ chức UNESCO là luôn nhấn mạnh vai trò của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, coi đây là mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, góp phần gắn kết con người và thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế người dân.
Ủy ban UNESCO Việt Nam khẳng định chủ trương tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa các quốc gia trong quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới bảo đảm bảo tồn gắn với phát triển bền vững. Việc quản lý, vận hành và phát triển các Khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc trách nhiệm của các quốc gia và theo quy định pháp luật của quốc gia đó, tuy nhiên việc triển khai các hoạt động không làm ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
"Với các dự án du lịch cần thực hiện đánh giá tác động môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, tránh ảnh hưởng xấu tới bảo tồn thiên nhiên và cuộc sống của cộng đồng; khuyến khích hình thức du lịch sinh thái" - phản hồi của Ủy ban UNESCO Việt Nam nêu rõ.
Được biết, ngày 07/01/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ban hành quyết định xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh đối với vịnh Vĩnh Hy. Sau đó, vào tháng 9/2022, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa đã được thông qua và chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa là nơi sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của vùng khí hậu khô hạn ven biển của Ninh Thuận.
Đồng thời, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa là “ngôi nhà chung” của hơn 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN); 765 loài động vật, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Núi Chúa còn là nơi có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam với trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển. Đặc biệt, Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc hiện đang được bảo tồn bảo vệ nghiêm ngặt.
Anh Đức