Chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch

STNN - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vừa khởi động dự án quốc tế mang tên "Mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh", được tài trợ bởi VACNE, GAHP và DEFRA, tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.

Chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch Chế phẩm vi sinh dùng để xử lý rơm rạ trên cánh đồng là sản phẩm do các nhà khoa học của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nghiên cứu và phát triển. Hiện sản phẩm đang trong quá trình thử nghiệm tại cánh đồng với kết quả khả quan.

Theo PGS.TS. Đinh Văn Phúc, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học xã hội liên ngành của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Việt Nam được biết đến như một quốc gia nông nghiệp mạnh mẽ, với lúa là cây chủ lực, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, việc xử lý gốc rơm rạ sau thu hoạch lúa vẫn chưa hiệu quả. Phương pháp thường được sử dụng phổ biến là đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng để cung cấp dinh dưỡng cho đất. Tuy nhiên, phương pháp này đã gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, bao gồm đất, không khí và cả sức khỏe con người. Việc đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng dẫn đến đất bị chai sạn do phá hủy cấu trúc đất và ảnh hưởng đến hệ sinh vật trong đất, khiến cho đất mất đi tính tơi xốp ban đầu.

Dự án "Xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh" của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hướng đến việc cải thiện cuộc sống của nông dân và bảo vệ môi trường. Các lợi ích của dự án bao gồm phân hủy gốc rơm rạ nhanh chóng ngay tại cánh đồng, biến chúng thành phân bón tại cánh đồng, tăng năng suất và giảm lượng phân bón hóa học, đồng thời đảm bảo tính an toàn và thân thiện với môi trường.

PGS.TS. Đinh Văn Phúc cho biết rằng, việc sử dụng chế phẩm vi sinh để phân hủy gốc rơm rạ ngay tại cánh đồng thay vì đốt chúng là một tiến bộ quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Sử dụng chế phẩm vi sinh đã phân hủy thành công gốc rơm rạ tại cánh đồng và biến chúng thành mùn, cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Nguồn: vista.gov.vn

Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/che-pham-vi-sinh-xu-ly-rom-ra-sau-thu-hoach-a25270.html