Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc

STNN – Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc là 1 trong 7 nhóm giải pháp nhằm Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn)
“Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn)

Với mục tiêu đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất tại Hà Nội, kiểm soát toàn diện chất lượng, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh thành trong cả nước và sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội; UBND TP. Hà Nội đã ban hành “Kế hoạch Đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn thành phố” với 7 nhóm giải pháp thực hiện.

1. Hoàn thiện, thực thi hiệu quả cơ chế chính sách. Lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn vào các kế hoạch, đề án, chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới 2021 – 2025

– Rà soát, thực thi, hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, tín dụng, huy động các nguồn đầu tư công, ODA, đối tác công tư (PPP)… trong nâng cấp cơ sở hạ tầng (hệ thống thủy lợi, điện lưới, đường giao thông, kho bãi…). Các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Khu giết mổ, sơ chế, chế biến tập trung, chợ đầu mối/đấu giá…đủ điều kiện sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản theo quy định của nhà nước và chuẩn mực quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm.

– Ưu tiên ngân sách đầu tư nâng cấp điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khu giết mổ, sơ chế, chợ đầu mối/đấu giá, chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố.

– Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đăng ký cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên diện rộng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

2. Phối hợp, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

– Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của Thành phố, giữa Thành phố với các Bộ ngành và giữa Thành phố Hà Nội với các địa phương khác trong cả nước về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn lực theo phân công, phân cấp theo hướng đủ tổ chức, nguồn lực triển khai nhiệm vụ được phân công phân cấp.

– Phối hợp chặt chẽ, nâng cao vai trò của tổ chức kinh tế hợp tác, các tổ chức chính trị – xã hội, hiệp hội ngành hàng trong xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chất lượng an toàn thực phẩm. Truyền thông quảng bá sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản.

– Nâng cấp và triển khai Chương trình phối hợp với Mặt trận tổ quốc Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố… trong phổ biến, giáo dục, vận động và giám sát sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng an toàn.

– Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội ngành hàng trong đào tạo, tập huấn cho hộ nông dân, tổ chức kinh tế hợp tác trong tự kiểm soát và giám sát cộng đồng về chất lượng, an toàn thực phẩm, về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truyền thông quảng bá sản phẩm chất lượng, an toàn.

– Rà soát, tham mưu HĐND Thành phố, các Bộ, ngành và Chính phủ sửa đổi chính sách pháp luật tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia các dịch vụ kiểm nghiệm, tư vấn, giám định, chứng nhận cho người dân và doanh nghiệp cũng như được chỉ định cung ứng dịch vụ phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chứng nhận, giám định, tư vấn của các tổ chức, doanh nghiệp chứng nhận, giám định về chất lượng, ATTP.

3. Đổi mới công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản

– Tổ chức thực hiện Chương trình ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản khi được phê duyệt, triển khai tại địa phương.

– Tăng cường hợp tác với Bộ, ngành, các Viện, Trường, các tổ chức quốc tế chuyên ngành, các dự án quốc tế trong nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (chương trình đại học, sau đại học) cho các cơ quan địa phương.

– Tăng cường phối hợp với các Viện, Trường và các tổ chức nghiên cứu khoa học khác cập nhật, tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (như sử dụng giống chất lượng cao. Phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất xử lý môi trường, thuốc BVTV nguồn gốc hữu cơ…) cũng như tiến bộ khoa học quản lý (như áp dụng hệ thống tự kiểm soát, giám sát cộng đồng, truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn tiên tiến GAP, ISO, HACCP…) trong sản xuất nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn.

4. Tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản được sản xuất trong nước

– Tổ chức vận hành quy trình đánh giá và truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế.

– Kịp thời cập nhật, phổ biến thông tin thị trường. Quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng của thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản trong nước và một số nước, doanh nghiệp của Hà Nội có xuất khẩu nông sản thực phẩm.

– Triển khai hoạt động tập huấn, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp nâng cấp điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn…). Sản xuất tốt áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, HACCP, ISO 22000… Thiết lập, vận hành hệ thống tự kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại cơ sở cùng với sự tham gia giám sát của cộng đồng.

– Phối hợp với cơ quan truyền thông của Thành phố và Trung ương tổ chức các chương trình, chiến dịch thông tin, truyền thông quảng bá, kết nối cung cầu nông sản chất lượng, an toàn.

– Tổ chức xác minh, xử lý, phản hồi kịp thời các thông tin sai lệch về chất lượng, an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp.

5. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc

– Ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị. Chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Phấn đấu một số phòng kiểm nghiệm trên địa bàn Hà Nội được công nhận là phòng kiểm nghiệm kiểm chứng về an toàn thực phẩm của quốc gia và khu vực.

– Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực thi 100% các thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng. Hệ thống thống kê, thông tin báo cáo trực tuyến, cấp chứng nhận, chứng thư điện tử kết nối với các đối tác thương mại….

– Duy trì, phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn), khuyến khích hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đăng ký tham gia Hệ thống. Xây dựng, phát triển, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng, an toàn thực phẩm (Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông lâm sản. Hệ thống quản lý dữ liệu tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản. Phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản…). Kết nối, liên thông Hệ thống của Hà Nội với Cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp và PTNT và Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

– Ứng dụng, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quản lý chất lượng ATTP, tạo giống, sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản, đảm bảo nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm thất thoát sau thu hoạch.

6. Đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn hóa các qui trình chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, qui chuẩn và thông lệ quốc tế

– Tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo chương trình chung của Chính phủ. Đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền của UBND Thành phố.

– Kiện toàn tổ chức bộ máy về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến, phát triển thị trường nông lâm thủy sản từ cấp Thành phố đến cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ưu tiên đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm cho từng vị trí công việc. Nghiên cứu đề xuất cơ chế tài chính đặc thù hỗ trợ công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, phù hợp với hệ thống cơ quan quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm toàn quốc.

– Chuẩn hóa các qui trình chuyên môn nghiệp vụ theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế (tiêu chuẩn ISO).

7. Thu hút nguồn lực và kinh nghiệm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản

– Tăng cường hợp tác với Cơ quan thẩm quyền các nước, các Thành phố có ký kết hợp tác với Hà Nội, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để đàm phán ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản và chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến áp dụng tại Thành phố.

– Sử dụng có hiệu quả tài trợ, các dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài, của tổ chức quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo quy định.

– Tuân thủ các quy định của các tổ chức quốc tế: Codex, Ủy ban SPS của WTO để phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, từng bước thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm.

– Vận động tài trợ, xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài, của tổ chức quốc tế, tổ chức và doanh nghiệp trong nước trong việc nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo quy định.

– Tăng cường năng lực cho hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp, bao gồm các phòng kiểm nghiệm thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước. Trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, thẩm định của cơ quan có thẩm quyền.

Gia Khang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây