STNN - Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu hướng tới nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Để đạt được các mục tiêu đó, xây dựng nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi đúng đắn, hiệu quả cho ngành nông nghiệp nói chung và cho các HTX nông nghiệp nói riêng.
Phát triển nông nghiệp thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn
Khái niệm “kinh tế tuần hoàn” (KTTH) được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1990 bởi Pearce và Turner trong cuốn sách “Kinh tế Tài nguyên và Môi trường”. Khác với mô hình kinh tế tuyến tính hoạt động theo quy trình khai thác nguyên liệu thô từ thiên nhiên, biến chúng thành sản phẩm rồi sau đó loại bỏ chúng như chất thải; ý tưởng cơ bản của KTTH là giảm thiểu chất thải đầu ra trong bất kỳ hệ thống sản xuất nào, thay vào đó, tìm mọi cách biến chúng thành nguyên liệu đầu vào cho các quy trình tiếp theo, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín của nền kinh tế. Theo nghiên cứu của Vasileios Rizos và cộng sự vào năm 2017, có ba quá trình cơ bản của nền KTHH, đó là: 1) Hạn chế nguồn nguyên liệu đầu vào nhờ tái chế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và sử dụng năng lượng tái tạo; 2) Duy trì giá trị sử dụng của sản phẩm thông qua việc tái sử dụng, tân trang hoặc kéo dài tuổi thọ sản phẩm; 3) Tối ưu hóa mô hình sử dụng bằng cách chuyển qua bán dịch vụ thay vì bán sản phẩm, tạo ra các mô hình chia sẻ sản phẩm và thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng.
Bên cạnh việc giải quyết các vấn đề về môi trường như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, duy trì đa dạng sinh thái hay giảm thiểu ô nhiễm, KTTH còn mang đến các lợi ích kinh tế nhờ việc giảm nguồn lực đầu vào, tiết kiệm chi phí sản xuất và xử lý chất thải, gia tăng giá trị sản phẩm. KTTH cũng giúp giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của xã hội như nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm (theo báo cáo Triển vọng việc làm và xã hội của thế giới năm 2018 – của ILO, việc tái chế, sửa chữa và tái sản xuất sẽ tạo ra thêm 6 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2030).
Ứng dụng KTTH vào sản xuất nông nghiệp, hay còn được gọi là ‘nông nghiệp tuần hoàn’ (NNTH) không những giúp người nông dân sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên trong tất cả các giai đoạn của sản xuất; mà còn đảm bảo khả năng tái tạo và đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái nông nghiệp này, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất đến môi trường. Một số biện pháp cụ thể được áp dụng như: Giảm thiểu tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên hữu hạn như đất đai hay nguồn nước, tái sử dụng các nguyên vật liệu, kết hợp nuôi trồng để tận dụng chất thải hoặc kết hợp nông lâm nghiệp,...
Các mô hình NNTH đang được triển khai trên khắp thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau, từ ở cấp độ hộ gia đình, nông trại nhỏ cho đến những hợp tác xã nông nghiệp và trên quy mô toàn quốc; trong đó, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) là những nước tiên phong ủng hộ nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược quốc gia về nông nghiệp tuần hoàn từ năm 2015 và đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; trong khi vào năm 2018, EU đã ban hành chính sách nông nghiệp từ nông trại đến bàn ăn để thực hành nông nghiệp tuần hoàn toàn diện và bước đầu đã thu được những tín hiệu tích cực.
Kinh tế tuần hoàn - hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam
Quan điểm về phát triển KTTH được Đảng ta đề cập đến trong một số văn kiện, như: Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước (15/11/2004); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 tại Đại hội XI (2011) của Đảng; Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (03/6/2013); Chỉ thị số 36/CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước (25/6/2018); Mới đây nhất, trong Nghị quyết Đại hội XIII “Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030”, Đảng ta đã khẳng định phải “xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình tái sản xuất”. Các quan điểm của Đảng về phát triển KTTH có thể cô đọng trong ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đó là “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”.
Hòa chung với xu hướng phát triển KTTH của thế giới, Việt Nam đã có những cam kết hành động và tuyên bố ở cấp độ quốc tế về vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Cụ thể, Việt Nam đã tham dự chương trình Nghị sự 21 về Phát triển bền vững toàn cầu, đồng thời cũng đã ban hành nhiều văn bản, chương trình cụ thể nhằm thể chế hoá các cam kết của mình. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cũng đã có những cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, trong đó có hai nội dung liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp đó là cam kết “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Bên cạnh đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm, Việt Nam cũng đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững. Bên cạnh những cam kết quốc tế, ở quy mô quốc gia, nước ta đã đưa ra nhiều chương trình, hoạt động cụ thể như: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có 9 mục tiêu về phát triển KTTH; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (2022)…
Thực tế cho thấy, việc áp dụng mô hình NNTH không chỉ đẩy nhanh quá trình thực hiện các cam kết của Việt Nam về khí hậu, về phát triển bền vững mà còn giúp giải quyết tốt nhiều vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trước hết, ứng dụng NNTH sẽ giúp giải quyết bài toán về thiếu hụt nguồn tài nguyên thiên nhiên như thiếu hụt quỹ đất khi mà quỹ đất cho nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp vì được sử dụng vào các mục đích khác cùng với tốc độ đô thị hóa nông thôn diễn ra mạnh mẽ; khan hiếm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp do tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó NNTH cũng đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân thông qua giảm thiểu chi phí sản xuất nhờ các biện pháp tái chế, tái sử dụng và tận dụng tối đa các nguyên liệu đầu vào. Đây cũng sẽ là giải pháp để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ở các thị trường khó tính như EU và Mỹ đang ngày càng ưa chuộng các thực phẩm sạch và hữu cơ (organic).
Với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, hiện nay, đã có nhiều mô hình NNTH đã được triển khai, thực hiện trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Mô hình kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi với chế biến; mô hình tạo và dùng khí đốt từ chất thải trong sản xuất; lấy phế phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác… Với dư địa các nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp lớn, nước ta có nhiều tiềm năng để thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn. Theo báo cáo của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường tại Hội thảo "Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo" (2022), năm 2020, khối lượng phụ phẩm ở nước ta là khoảng 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm của ngành trồng trọt; 61,4 triệu tấn từ ngành chăn nuôi; 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản. Ước tính với số phụ phẩm này nếu khai thác hết có thể thu về 4-5 tỷ USD; tuy nhiên, hiện nay ở nước ta mới chỉ khai thác được khoảng 275 triệu USD vào năm 2020. Theo thống kê sơ bộ, tỉ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt hiện mới đạt 52,2%, ngành chăn nuôi đạt 75,1%; lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có nhiều lợi thế để phát triển NNTH như lợi thế về vị trí địa lý thuận tiện cho xuất nhập khẩu nông nghiệp; thị trường tiêu thụ rộng lớn; sự tác động tích cực của CMCN…
Như vậy, có thể thấy, thực tế triển khai nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta hiện chưa mang lại lợi ích kinh tế cao cũng như chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay phải kể đến những hạn chế về công nghệ khi mà, năng lực nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn rất yếu; thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu cũng như thiếu nguồn nhân lực nông nghiệp có trình độ để có thể áp dụng, vận hành các công nghệ tiên tiến; nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Tiếp đó, các điểm nghẽn pháp luật, chính sách cũng tác động tiêu cực đến phát triển NNTH khi mà chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý cho phát triển NNTH từ khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng và tái chế, tái sử dụng phụ phẩm; thiếu các quy định, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nguồn lực khác nhau trong xã hội tham gia vào phát triển NNTH; Bên cạnh đó sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các Luật có liên quan đến phát triển NNTH cũng gây ra những khó khăn, lúng túng trong triển khai phát triển NNTH. Quy mô ngành nông nghiệp còn nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực tài chính, đất đai dẫn tới các mô hình NNTH mới chỉ dùng lại ở mức độ thử nghiệm, ở quy mô rất nhỏ cũng như thiếu tính liên kết, đa ngành, đa địa phương trong mô hình NNTH; Bên cạnh đó, còn nhiều thách thức khác như khả năng dự báo thị trường nông nghiệp còn yếu; thiếu thị trường nguyên nhiên liệu thứ cấp; thị trường tiêu thụ sản phẩm tái chế còn hẹp do nhận thức và khả năng tài chính của người tiêu dùng còn hạn chế; chưa có cơ quan quản lý trực tiếp phụ trách vấn đề NNTH…
Có thể thấy, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bài toán về bảo đảm an ninh lương thực cũng như sức khoẻ của người tiêu dùng, sự khốc liệt trong cạnh tranh của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc phát triển NNTH là xu thế phát triển tất yếu, duy nhất của ngành nông nghiệp mỗi quốc gia. Để xây dựng một nền NNTH, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh cần có sự tổng hòa của nhiều yếu tố từ việc xác định đúng, trúng định hướng phát triển; hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật; đảm bảo các nguồn lực về khoa học công nghệ, tài chính, nhân lực, đất đai; thu hút sự tham gia – liên kết của 4 thành tố quan trọng là Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà nông; xây dựng được lộ trình phát triển hợp lý; tuân thủ các nguyên tắc về phát triển bền vững, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, cẩn trọng trong tất cả các khâu hướng đến một mục tiêu chung “nông nghiệp vì sự sống”.
Vũ Huyền, Minh Phương, Hải Anh, Hồng Hạnh