Kinh tế tuần hoàn – hướng đi mới cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam (Kỳ 1: Hợp tác xã nông nghiệp – “hạt nhân” trong phát triển kinh tế nông thôn)

STNN – Hợp tác xã là thành tố nòng cốt của mô hình kinh tế tập thể – một trong bốn thành phần của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển hợp tác xã nông nghiệp là góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn; giúp đảm bảo quyền sở hữu tư liệu sản xuất của người nông dân; giải quyết các vấn đề xã hội; nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở.

Hợp tác xã nông nghiệp - “hạt nhân” trong phát triển kinh tế nông thôn Hiểu cho đúng về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã
Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) được Đảng và Nhà nước ta xác định là động lực, thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, hiện có nhiều quan điểm băn khoăn hoặc phủ nhận vai trò của mô hình kinh tế này. Bởi vậy, để phát triển KTTT hiệu quả, cần hiểu đúng, hiểu đủ về KTTT.

Mô hình KTTT được bắt nguồn từ nước Anh, khởi đầu là sự kiện ngày 21/12/1844, một nhóm gồm 28 công nhân tại Rochdale Lancashire đã thành lập “Hội những người tiên phong bình đẳng” (Society of Equitable Pioneers) bằng cách góp tiền xây dựng một cửa hàng để cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết bán cho các thành viên của hội. Hoạt động của hội được quy định cụ thể bằng nhiều nguyên tắc rất mới so với các hội nhóm giai đoạn đó như: mọi người đều có quyền tham gia hội mà không có sự phân biệt nào; số phiếu mua của các thành viên là như nhau; số tiền lãi thu được từ hoạt động của hội được chia cho các thành viên dựa theo sự đóng góp, cống hiến của thành viên đó… Mô hình hội này sau đó lan rộng khắp châu Âu. Đến giai đoạn phát triển mạnh mẽ của CNXH, hệ tư tưởng của các nhà cộng sản Mác – Lênin đã xây dựng nên những yếu tố mới của KTTT mà tiêu biểu là HTX. Theo đó, HTX bắt nguồn từ nhu cầu “chuyển từ tiểu sản xuất” sang “đại sản xuất” trên nguyên tắc “tự nguyện, quản lý dân chủ và cùng có lợi”. Đây mô hình sản xuất mà ở đó nhiều cá nhân tập hợp, làm việc với nhau theo những kế hoạch sản xuất chung, hưởng những lợi ích chung. Để HTX hoạt động hiệu quả cần ba yếu tố chính, đó là: chính quyền phải bảo đảm quyền làm chủ của nông dân theo pháp luật; xây dựng, củng cố vị thế của các thành phần kinh tế ở những khâu then chốt của nền kinh tế quốc dân; nâng cao trình độ, dân trí của người dân. Ngày nay, KTTT là mô hình đã được phát triển, nhân rộng trên toàn thế giới. Theo Liên minh HTX quốc tế trong báo cáo Tóm tắt điều hành – Giám sát hợp tác thế giới (2022) hiện có khoảng 12% dân số trên thế giới là thành viên của một trong hơn 300 triệu tổ chức KTTT nào đó. Các tổ chức KTTT cung cấp khoảng 10% việc làm cho người lao động toàn cầu.

Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho KTTT, HTX. Trong Đường cách mệnh (1927), Người đã làm rõ quá trình phát triển của mô hình HTX, các vấn đề lý luận về HTX và nêu rõ vai trò của HTX với sự phát triển kinh tế. Những lý luận của Bác về HTX nêu bật được bản chất của HTX trong đó HTX đơn giản được hiểu là “hợp vốn, hợp sức với nhau; vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà lợi ích nhiều (“Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam”, ngày 11/4/1946). Theo Hồ Chí Minh, đích đến của HTX là nâng cao đời sống của nhân dân, trên nguyên tắc có làm, có hưởng và bình đẳng. Người dân phải được coi là thành tố chính trong phát triển HTX ở cả cương vị là chủ thể thực hiện và chủ thể thụ hưởng. Quan điểm của người về HTX là sự kế thừa, vận dụng một cách linh hoạt của Chủ nghĩa Mác – Lênin về KTTT, HTX vào tình hình nước ta. Người khẳng định bản chất của HTX đó là một tổ chức được thành lập trên tinh thần tự nguyện, cùng có lợi; quan hệ trong HTX là quan hệ dân chủ cùng có trách nhiệm; bản chất KT – XH của các HTX đồng nhất mục tiêu của CNXH đúng như quan điểm của Lênin “HTX chính là một CNXH thu nhỏ”. Các quan điểm của Người cũng mang đậm tính nhân văn khi xác định HTX trước hết là của người nghèo, người khó khăn, yếu thế trong xã hội. HTX tập hợp họ lại để cùng tồn tại, phát triển, chống lại những áp bức, bất bình đẳng, chung tay vì một cộng đồng văn minh, tương thân, tương ái. Tuy nhiên, Người cũng khẳng định, HTX khác với các hội từ thiện nghĩa là “ai cũng được giúp “và ai cũng phải giúp”, cùng bình đẳng về cả quyền lợi cũng như trách nhiệm.

Mô hình HTX và quá trình biến đổi

Từ các quan điểm trên của Hồ Chí Minh, suốt giai đoạn kháng chiến chống Pháp đến trước những năm 1986, hàng loạt các HTX đã được thành lập trên khắp cả nước. Tuy nhiên, ở giai đoạn 1976 – 1980, mặc dù là giai đoạn nở rộ, phát triển mạnh mẽ nhất của KTTT, HTX nhưng do tâm lý nóng vội, chủ quan, rập khuôn máy móc, chú trọng số lượng hơn chất lượng cùng với hạn chế về năng lực quản lý đã dẫn đến nhiều sai sót, bất cập trong hoạt động của các HTX như vấn đề về sở hữu đất đai, tư liệu sản xuất, phân công lao động, phân phối sản phẩm của các HTX. Cụ thể, ở giai đoạn này, HTX là chủ thể sở hữu các tư liệu sản xuất quan trọng còn xã viên chỉ là những người được điều động, được trả công. Việc phân công lao động cũng chưa có tiêu chí cụ thể, chủ yếu dựa trên nhận định về sức khỏe, phụ thuộc vào những cán bộ quản lý trực tiếp, dễ chịu tác động của quan điểm cá nhân. Việc phân phối sản phẩm thu về trên cơ sở cào bằng, công điểm dẫn tới tâm lý ỷ lại, thiếu tích cực của các thành viên. Những hạn chế đó đã khiến hầu hết các HTX ở giai đoạn này đều hoạt động kém hiệu quả. Trước tình hình đó, một số giải pháp đã được đưa ra như chính sách khoán cho các hộ gia đình (được triển khai từ 1981 – 1986). Khoán ở đây được hiểu là cơ chế “năm khâu – ba khâu”, nghĩa là HTX thực hiện năm khâu giống, đất, thủy lợi, phân bón, phòng trừ sâu bệnh; còn ba khâu cấy, chăm sóc, thu hoạch do các hộ gia đình thực hiện. Tuy nhiên, mô hình này cũng tồn tại nhiều hạn chế như: Trách nhiệm của các HTX chưa được đảm bảo, trong khi các hộ gia đình phải trả phí đầu vào thông qua thuế đầu sào thì các HTX lại chưa có cam kết chịu trách nhiệm về các khâu mình đảm nhận. Hoặc các hộ gia đình chịu các mức khoán sản phẩm căn cứ trên diện tích nhận khoán và năng suất thu được từ các vụ trước mà không dựa trên năng suất thực tế.

Năm 1986 là dấu mốc quan trọng đối với quá trình phát triển đất nước khi nước ta bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện mà tiền đề là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Với sự chuyển biến trong nhận thức của Đảng, Nhà nước, năm 1986 cả nước có tới 76.000 HTX, thu hút hơn 20 triệu xã viên tham gia; sản xuất hơn 80% sản lượng lương thực, thực phẩm của cả nước; sản xuất ra một khối lượng hàng hóa chiếm 30% giá trị sản lượng công nghiệp toàn quốc và gần 50% giá trị sản lượng công nghiệp địa phương (Lịch sử hình thành và phát triển của KTTT, HTX và LMHTXVN – Liên minh HTX VN – 2023). Tuy nhiên, với việc hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước thay cho cơ chế tập trung, bao cấp cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế khác đã khiến cho nhiều HTX rơi vào khó khăn, khó thích ứng và cạnh tranh được, dẫn tới sự thua lỗ, giải thể của hàng loạt các HTX. Phải cho đến những năm 1997 trở lại đây khi mà Luật Hợp tác xã (1996) ra đời, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các HTX mới có cơ hội vươn mình trỗi dậy.

Không chỉ có nhiều biến động trong thực tiễn hoạt động của các HTX mà ngay cả quan điểm của Đảng về KTTT, về HTX sau năm 1986 cũng có nhiều thay đổi. Nếu trong hai kỳ Đại hội VI (12/1986) và VII (1991), Đảng vẫn sử dụng thuật ngữ KTTT, sang đến Đại hội VIII, khái niệm Kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX đã được thay thế, trong đó coi HTX giống như một dạng doanh nghiệp. Đến Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT đã chỉ rõ nhiều vấn đề mấu chốt về bản chất, thành phần, nguyên tắc của KTTT cũng như đưa ra mô hình của HTX kiểu mới, tuy nhiên ở Nghị quyết này KTTT vẫn hoạt động theo nguyên tắc phân phối theo vốn góp, khác so với những ý nghĩa ban đầu của mô hình KTTT. Phải đến Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, cùng với sự việc ban hành Luật HTX 2012 những giá trị ban đầu của mô hình HTX, KTTT mới được khẳng định lại. Có thể thấy, những thay đổi trong quan điểm của Đảng, Nhà nước về KTTT, HTX là sự thay đổi mang tính tất yếu khi mà hoạt động của các HTX đang phải chịu sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; từ áp lực cạnh tranh đặc biệt khi nước ta tham gia sâu rộng vào hội nhập khu vực, quốc tế; những tác động của biến đổi khí hậu cũng như những bất ổn về chính trị – xã hội của thế giới…

Hợp tác xã nông nghiệp trong bối cảnh mới

Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) là mô hình giải quyết tốt các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên nhiều phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường. Về mặt kinh tế, HTXNN giúp hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có quy mô lớn, sản xuất tập trung, tạo ra các lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong việc xây dựng nhãn hiệu tập thể; giúp quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp diễn ra thực chất hơn, hiệu quả hơn thông qua việc khai thác hiệu quả và phát huy được hết tiềm năng của mỗi địa phương; đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản có giá trị kinh tế cao, chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng đặc biệt là của thị trường xuất khẩu; trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được cải thiện.

Về mặt chính trị, sự phát triển của các HTXNN là hoạt động giúp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về bảo đảm quyền làm chủ của người dân, bảo đảm quyền được sở hữu tư liệu sản xuất, quyền bình đẳng của con người trên cả phương diện bình đẳng về quyền lợi và bình đẳng về trách nhiệm. Bên cạnh đó, hoạt động của các HTXNN cũng giúp tăng cường hệ thống chính trị xã hội cơ sở, bảo đảm an ninh trật tự. Về mặt xã hội, các HTXNN giúp giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân; thúc đẩy xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; tăng cường tinh thần đoàn kết tập thể; nâng cao trình độ dân trí, trình độ tay nghề của người nông dân… Bên cạnh đó, các HTXNN hiện nay đang áp dụng nhiều mô hình, phương thức, kỹ thuật sản xuất mới giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và nông nghiệp xanh nói riêng.

Để các HTXNN hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, cần kiên định một số định hướng phát triển như: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa – trong bảo đảm các quyền con người mà cụ thể là quyền làm chủ, quyền có tư liệu sản xuất; Gắn phát triển HTXNN với các chương trình, mục tiêu quốc gia như Chương trình về đổi mới sáng tạo; Chương trình về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chiến lược phát triển KTTT, HTX; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; Chiến lược tăng trưởng xanh… Bên cạnh việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ từ bên ngoài (như cơ chế, chính sách pháp luật; thúc đẩy nghiên cứu khoa học; hỗ trợ tài chính; cung cấp đất đai, tư liệu sản xuất…) cũng cần chú trọng đến việc nâng cao năng lực của chính các HTX (năng lực quản lý, năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đào tạo nhân lực…), lấy lợi ích của hội viên, nông dân làm mục tiêu chính trong hoạt động của các HTXNN.

Vũ Huyền, Minh Phương, Hải Anh, Hồng Hạnh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây