STNN - Mưa lớn xảy ra trên diện rộng, tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều nơi ngập sâu trong nước, sạt lở đất ở khu vực đồi núi.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 13 đến sáng 15/11, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa to và rất to. Riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 500-800mm, có nơi cao hơn như: Thượng Quảng, Nam Đông 985mm; Hương Sơn, Nam Đông 971mm; Khe Tre, Nam Đông 943mm.
Mưa lớn, mực nước trên các sông dâng nhanh khiến người dân không kịp ứng phó, tính đến chiều ngày 15/11, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 15.000 nhà dân bị ngập, các địa phương tổ chức di dời gần 900 hộ dân với gần 2.300 nhân khẩu khu vực ngập sâu, nguy hiểm đến nơi an toàn. Nhiều khu vực miền núi, ven sông, biển bị sạt lở. Nhiều tuyến đường miền núi bị chia cắt do ngầm tràn bị ngập và sạt lở.
Lực lượng chức năng đưa những hộ dân ở khu vực thấp trũng đến nơi tránh trú an toàn. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 15/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công điện khẩn về việc triển khai ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh gửi: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế; Chủ các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh - Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Dự báo từ ngày 15/11/2023 đến ngày 17/11/2023 tiếp tục có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 500mm. Mực nước trên các sông duy trì ở mức cao trên báo động III, gây ngập lụt diện rộng; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu: Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị Trung ương trên địa bàn, chủ các hồ đập thủy điện, thủy lợi, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Công điện số 1034/CĐ-TTg ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; Công điện số 17/CĐ-QG ngày 12/11/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 05/CĐ-PCTT ngày 13/11/2023, Công điện số 06/CĐ-PCTT ngày 14/11/2023, Công điện số 07/CĐ-PCTT ngày 15/11/2023 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng, ngập lụt sâu, chia cắt, các khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất; kiên quyết sơ tán nhân dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn gần nhất. Chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, phục vụ nhân dân tại các vùng nguy cơ cô lập, chia cắt dài ngày do ngập sâu, sạt lở đất. Bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Thường xuyên báo cáo tình hình triển khai ứng phó mưa lũ về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị vận tải, nhà ga tàu hỏa, sân bay quốc tế Phú Bài, bến xe, bến thuyền triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Sở Công Thương kiểm tra việc dự trữ tại các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng để phục vụ nhân dân trong mọi tình huống thiên tai, bão lũ, sạt lở, chia cắt, cô lập. Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế tăng cường tuyên truyền, quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra…
Hoàng Nghĩa
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/hue-ngap-ung-tren-dien-rong-sat-lo-nhieu-noi-giao-thong-te-liet-a25609.html