STNN - Bảo quản hoa là một nghệ thuật đã tồn tại từ hàng ngàn năm qua. Từ việc cắm hoa tươi vào nước để kéo dài tuổi thọ của chúng cho đến việc sử dụng các phương pháp tiên tiến hiện đại, con người đã luôn tìm cách bảo quản và tận hưởng vẻ đẹp tự nhiên của hoa trong thời gian dài.
Trong quá khứ, các phương pháp bảo quản hoa tập trung chủ yếu vào việc làm khô hoa hoặc sử dụng chất bảo quản để giữ nguyên hình dạng và màu sắc của chúng. Có thể kể đến phương pháp để hoa khô tự nhiên trong không khí, bảo quản bằng glycerin và nước theo tỉ lệ 1:2, ép hoa giữa các lớp giấy đồng thời đặt một vật nặng lên trên, v.v.. Tuy nhiên, các phương pháp này thường có nhược điểm như làm hoa mất màu hoặc không giữ được hình dáng tự nhiên của hoa.
Các phương pháp được liệt kê ở trên vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, nghệ thuật bảo quản hoa đã có những tiến bộ đáng kể với sự phát triển của công nghệ và khoa học cho phép lưu giữ lại hình dạng, màu sắc và thậm chí cả mùi hương tự nhiên. Công nghệ mới không chỉ lưu giữ được vẻ đẹp lâu dài của hoa mà còn tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc.
Treo ngược
Đây là một phương pháp rất dễ áp dụng. Ở phương pháp này, hoa được làm khô bằng cách buộc thành các bó nhỏ và treo ngược tại một nơi thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp (một khu vực mát và tối). Những bông hoa nhỏ cùng loại được buộc thành một bó nhỏ (tối đa là 10 bông), còn các bông hoa lớn được làm khô riêng lẻ. Lá (nếu có) phải được gỡ bỏ trước khi làm khô để tăng tốc quá trình làm khô và phải có đủ khoảng cách giữa các bó để không khí lưu thông; nếu không, hoa có thể bị mục rữa hoặc bị nấm mốc.
Quá trình làm khô có thể kéo dài từ một tuần đến vài tuần, tùy thuộc vào kích thước hoa, loại hoa, nhiệt độ và độ ẩm của không gian làm khô. Hoa đã được làm khô trở nên giòn và thân hoa thẳng do được treo ngược. Ưu điểm của cách làm này là chi phí thấp nhưng nhược điểm là dáng cứng, không tự nhiên.
Silica gel
Mặc dù chi phí ban đầu khi mua silica gel là khá cao, nhưng ưu điểm là silica gel có thể được tái sử dụng lại nhiều lần. Silica gel có khả năng hút ẩm cao và có màu trắng, đôi khi nó có thể chứa các tinh thể màu xanh lam. Những hạt màu xanh lam này cho biết về độ ẩm của hạt. Các “chỉ thị màu xanh lam” sẽ hoàn toàn trong suốt khi khô hoàn toàn, nhưng khi chúng hút ẩm từ hoa, chúng dần dần chuyển sang màu hồng. Điều này là một chỉ báo cho thấy các tinh thể cần được làm khô trước khi sử dụng lại.
Silica gel được rải trong một khay phẳng rộng với độ dày từ 1,5 - 2 cm. Các bông hoa được sắp xếp trong gel, tiếp đó silica gel được rót lên phía trên cho đến khi hoa được hoàn toàn che phủ. Silica gel cũng được rót vào giữa các cánh hoa một cách cẩn thận để không làm hỏng hoặc biến dạng cánh hoa. Những bông hoa này cần được đặt trong điều kiện kín khí. Nếu không, silica gel sẽ hút ẩm từ không khí và trở nên ẩm ướt, từ đó làm chậm quá trình làm khô hoa hoặc không thể làm khô hoàn toàn. Hộp bánh quy, hũ cà phê, hũ kẹo, hộp nhựa, v.v., với nắp kín khí có thể được sử dụng để làm khô hoa trong silica gel.
Quá trình làm khô hoa mất từ vài ngày đến một tuần, tùy thuộc vào kích thước, số lượng hoa và độ ẩm trong hoa. Cần kiểm tra hoa sau mỗi hai ngày vì hoa để quá lâu sẽ trở nên quá khô và gãy. Khi lấy hoa ra khỏi gel sau khi làm khô, cần cẩn thận để không làm hỏng hoặc gãy cánh hoa. Nên sử dụng một chiếc cọ lông mềm để loại bỏ những mảnh vụn của silica gel bám trên hoa. Phương pháp này có thể được sử dụng để làm khô những bông hoa mỏng manh, có màu sắc độc đáo.
Sáp paraffin
Đây không phải là một phương pháp bảo quản hoa vĩnh viễn nhưng có thể được áp dụng để bảo quản hoa hồng trong vòng một đến ba tuần. Trong thời gian này, hoa vẫn sẽ trông sặc sỡ và tươi mới. Ở phương pháp này, hoa được ngâm trong sáp paraffin để tạo một lớp sáp bao phủ trên bề mặt cánh hoa. Tất nhiên, hoa sẽ mất mùi thơm trong quá trình này. Phương pháp bảo quản hoa bằng sáp paraffin thường được sử dụng cho các sự kiện cần nhiều thời gian chuẩn bị.
Buồng làm khô (làm khô bằng không khí nóng)
Hoa được làm khô trong một buồng làm khô có quạt. Nhiệt độ cần được duy trì trong khoảng từ 30 đến 35 độ C, và quá trình này mất nhiều giờ đến vài ngày để làm khô hoa. Hoa được đặt vào các khe trên một lưới dây và đặt trong buồng làm khô. Thời gian cho quá trình làm khô cũng phụ thuộc vào số lượng hoa được làm khô cùng một lúc trong buồng.
Quy trình Vermont
Phương pháp làm khô hoa này được phát triển vào năm 1989 bởi Paul và Ginette Lambert. Họ đã phát minh một công nghệ độc đáo để bảo quản hoa hồng và nhiều loài hoa khác. Những bông hoa được bảo quản bằng phương pháp này giữ được vẻ đẹp tự nhiên với màu sắc và hình dạng ban đầu.
'Eternise' là một quy trình trong đó dung dịch glycerin, chất tạo màu và chất kích hoạt được hấp thụ bởi các bông hoa hoặc lá. Những bông hoa và lá này giữ được vẻ mềm mại tự nhiên và được tạo hình thành những bó hoa, những bức tranh tường… Chúng có thể được bảo quản trong nhiều năm nếu được chăm sóc cẩn thận bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, độ ẩm và nhiệt độ cao.
Làm khô bằng phương pháp đông lạnh
Với phương pháp đông lạnh, hoa tươi được làm khô bằng cách chuyển (độ ẩm) trực tiếp từ trạng thái đông đặc (solid state) sang hơi (vapor state) mà không trung gian qua trạng thái lỏng. Quá trình này được gọi là sublimation. Hoa được đặt trong một môi trường đông lạnh, thường dưới -173 độ C, trong ít nhất là 12 giờ. Sau quá trình đông lạnh, độ ẩm trong hoa được loại bỏ bằng cách sử dụng một máy bơm chân không để hút nước trong hoa dưới dạng hơi trong một buồng, và hơi nước này ngưng tụ lại dưới dạng băng trong một buồng khác. Phương pháp đông lạnh giúp bảo tồn hình dạng và màu sắc tự nhiên của hoa.
Hoa hồng, hoa cẩm tú cầu, hoa violet châu Phi, dương xỉ có thể được làm khô bằng phương pháp này. Khi làm khô bằng phương pháp đông lạnh, màu sắc của hoa có thể kém tươi tắn hơn so với màu gốc, tuy nhiên có thể sử dụng một loại sơn phun dùng cho hoa để phun lên. Những bông hoa này cần được bảo quản trong hộp kính hàn kín để không hấp thụ độ ẩm từ không khí và lưu giữ được vẻ đẹp trong thời gian dài. Nhược điểm của phương pháp này là đòi hỏi công nghệ cao và chi phí không rẻ.
Vi Cầm
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/nghe-thuat-bao-quan-hoa-xua-va-nay-a26817.html