STNN - Stellapps làm được điều này nhờ các công nghệ xác định thời gian tối ưu để phối giống, giảm thiếu số ngày bò không cho sữa; cũng như đánh giá được chất lượng sữa, phát hiện xem sữa có bị pha nước hay không.
Nông dân Prahlad Kumawat đã quá quen với sự trớ trêu, cay đắng của nghề chăn nuôi bò sữa ở Ấn Độ. Chính ở đất nước coi bò là con vật thiêng liêng và người dân tiêu thụ sữa nhiều hơn bất cứ nơi nào trên Trái đất, việc sản xuất sữa lại vô cùng kém hiệu quả do tính manh mún và thiếu đổi mới công nghệ. Kumawat nuôi tám con bò. Khi bò đang cho sữa, anh bán được 20-30 lít mỗi ngày, kiếm được khoảng 20.000 rupee (khoảng 6-7 triệu đồng) mỗi tháng. Nhưng anh phải vật lộn để duy trì cuộc sống suốt những giai đoạn bò không cho sữa. "Chỉ bán sữa thì không đủ để trang trải chi phí cho gia đình", Kumawat nói.
Giờ đây công nghệ đang giúp cuộc sống của anh - và hàng nghìn người chăn nuôi bò sữa khác - trở nên dễ dàng hơn. Công ty khởi nghiệp Stellapps Technologies có trụ sở tại Bangalore, đang ứng dụng các thiết bị cảm biến IoT và phân tích dữ liệu để nâng cao hiệu quả của tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng sữa, từ khâu sản xuất, thu mua đến bảo quản sữa.
Tất cả bắt đầu với mooON, thiết bị được Ranjith Mukundan, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Stellapps, mô tả như một loại "Vòng đeo thông minh cho bò”.
Vòng mooOn được đeo trên chân bò để theo dõi hoạt động của con vật, chủ yếu là đếm số bước chân, phát hiện thay đổi nhiệt độ cơ thể và các rối loạn khác nhau dựa trên hoạt động và hành vi nghỉ ngơi của chúng. Nhờ có hệ thống phân tích bằng AI, ứng dụng mooON sẽ đưa ra các khuyến nghị, cho phép người nuôi tối ưu hóa thời gian phối giống và phòng bệnh (tiêm phòng, phun thuốc sát khuẩn, bổ sung dinh dưỡng, v.v.) cho đàn bò.
Sản lượng sữa trung bình của một con bò ở Ấn Độ mỗi ngày chỉ đạt 5 lít vào năm 2019, trong khi con số này ở Mỹ hoặc châu Âu lên tới 30 lít. Nguyên nhân bởi Mỹ, bò nghỉ cho sữa khoảng một đến hai tháng, trong khi ở Ấn Độ có thể kéo dài đến sáu hoặc bảy tháng do việc phối giống không đúng thời điểm. Điều này khiến những người nông dân nhỏ lẻ như anh Kumawat gặp khó khăn trong việc duy trì sinh kế.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do nông dân thường bỏ lỡ chu kỳ rụng trứng của bò cái. Họ dựa vào các dấu hiệu nhìn thấy bên ngoài và nếu động vật rụng trứng vào ban đêm, họ có thể hoàn toàn không biết. "Khi rụng trứng xảy ra, người ta cần nhanh chóng thụ tinh nhân tạo cho bò vì thời gian rụng trứng cao điểm chỉ kéo dài khoảng bốn đến sáu giờ", Ranjith Mukundan giải thích.
Thiết bị mooOn "có thể ghi nhận thời điểm đó", ông nói. Khi nhận được tín hiệu từ thiết bị, ứng dụng của Stellapps sẽ gửi thông báo đến các nhân viên thú y địa phương đã đăng ký với công ty để họ đến giúp thụ tinh cho bò kịp thời. Chỉ khi bò sữa đậu thai, sinh sản thành công thì người chăn nuôi mới khai thác được sữa. Phần mềm luôn theo dõi chu kỳ sinh sản này, vì nếu chỉ bỏ qua một lần rụng trứng thì chi phí thiệt hại của nông dân do bò không cho sữa sẽ rất cao. Chẳng hạn, cứ 21 ngày bò cái rụng trứng một lần, nếu một con bò đang cho sữa khoảng 10 lít mỗi ngày, thì việc bỏ lỡ một chu kỳ rụng trứng sẽ đồng nghĩa với việc mất đi 210 lít sữa.
Stellapps cho biết có khoảng 450.000 thiết bị mooOn đang được đăng ký sử dụng, giúp tăng sản lượng sữa của đàn bò lên 20% và giảm một nửa chi phí sức khỏe gia súc. Công ty khởi nghiệp này tính phí 1 USD cho mỗi con bò mỗi tháng, bao gồm tiền thiết bị và các dịch vụ hỗ trợ. So với những phiên bản thời kỳ đầu, phiên bản vòng đeo mooOn hiện nay tương đối nhỏ gọn, có thể duy trì năng lượng trong một thời gian dài mà không cần sạc lại.
Tuy nhiên, sự thiếu hiệu quả trong ngành nông nghiệp sữa không chỉ giới hạn ở khâu sản xuất mà còn nằm trong các khâu tiếp theo của chuỗi cung ứng do phụ thuộc nặng nề vào lao động thủ công. “Khi xem xét toàn bộ chuỗi cung ứng sữa, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều điểm thiếu hiệu quả và cách duy nhất để loại bỏ chúng là triển khai cảm biến trên toàn bộ chuỗi", Mukundan nói.
Stellapps đã phát triển một bộ công cụ "IoT" dành cho các khách hàng doanh nghiệp để củng cố các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sữa. Nông dân chăn nuôi sẽ mang sữa của họ đến một điểm thu gom trong làng, nơi một thiết bị IoT của Stellapps đánh giá chất lượng sữa. Thiết bị được gắn một cảm biến siêu âm để đo hàm lượng chất béo và protein trong sữa, đồng thời có thể phát hiện xem sữa có bị pha nước hay không.
Sữa cùng chất lượng sẽ được trộn với nhau, sau đó đựng vào các can 40 lít có gắn thẻ kỹ thuật số và gửi đến một kho lạnh tập trung lớn hơn. Tại các kho lạnh này, sẽ có các hệ thống cảm biến nhiệt độ để theo dõi và cảnh báo khi nhiệt độ bảo quản vượt mức tối ưu (khoảng 4°C) tránh tình trạng sữa bị hỏng, và các cảm biến thể tích để theo dõi lượng sữa, ngăn chặn việc pha nước hoặc đánh cắp sữa. Sau đó, sữa được đưa đến nhà máy chế biến để tiệt trùng và đóng gói, hoặc chuyển đổi thành các sản phẩm như phô mai hoặc sữa chua.
Mukundan cho biết Stellapps có thể mang lại khả năng truy xuất nguồn gốc cho ngành công nghiệp sữa của Ấn Độ, cho phép công ty "đảm bảo đến từng ly sữa". Công ty hiện có hơn 150 khách hàng sử dụng dịch vụ theo dõi chuỗi cung ứng này, bao gồm các nhà chế biến sữa lớn như Nestle, Amul, ITC, Britannia và Hatsun.
Stellapps đã đưa ra một ý tưởng khá sáng tạo xung quanh việc thu mua sữa mà những người khác không làm,” Abhinav Shah, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Osam Dairy, một đơn vị thu gom sữa từ 3.000 hộ nông dân ở bang Jharkhand và Bihar cho biết. "Các giải pháp của họ khá sáng tạo, độc đáo trên thị trường và họ giúp bạn giải quyết vấn đề."
Mặc dù cung cấp giải pháp hữu ích giúp nâng cao chất lượng sữa và tăng năng suất cho ngành công nghiệp, bản thân công ty khởi nghiệp Stellapps có lợi nhuận khá bấp bênh. Họ đã chi tiêu nhiều hơn những gì kiếm được do phải chi trả một khoản lớn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) từ khi thành lập vào năm 2011 đến nay. Tính đến trước đại dịch Covid-19, Stellapps vẫn báo cáo lỗ. Tuy nhiên, trong bốn năm qua, công ty liên tục huy động được vốn lên tới 18-20 triệu USD từ các quỹ đầu tư và tập đoàn để mở rộng hoạt động kinh doanh. Stellapps có ý định chào bán công khai cổ phần trên sàn chứng khoán (IPO) trong vòng 3-4 năm tới.
Nhờ dòng vốn dồi dào, Stellapps đã mở rộng các dịch vụ công nghệ của mình. Chẳng hạn, vào năm 2020, công ty đã ra mắt dịch vụ tài chính mooPay nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán, tiết kiệm, cho vay tín dụng, rút tiền mặt và bảo hiểm cho nông hộ chăn nuôi bò sữa quy mô nhỏ của Ấn Độ. Người nông dân khi mang sữa đến các điểm tập kết sẽ được thanh toán tiền trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của họ thông qua ứng dụng mooPay. Dựa trên dữ liệu thu được từ các thiết bị mooON, ứng dụng này cũng sẽ tính được mức phí bảo hiểm gia súc liên quan đến sức khỏe của đàn bò. Gia súc có sức khỏe tốt sẽ có mức phí bảo hiểm thấp hơn, trong khi gia súc có sức khỏe kém sẽ có mức phí bảo hiểm cao hơn.
Mukundan cho biết, Công ty cũng đang để mắt đến phân khúc bán lẻ của chuỗi cung ứng. Họ sẽ phát triển một cổng thông tin lập bản đồ nguồn gốc và hành trình của sữa để thu hút những người tiêu dùng có ý thức về chất lượng thực phẩm.
Stellapps hiện đang số hóa khoảng 15 triệu lít sữa mỗi ngày và tác động đến hơn ba triệu nông dân chăn nuôi bò sữa tại hơn 36.000 ngôi làng Ấn Độ.
Trang Linh (Khoa học & Phát triển)
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/giai-phap-doc-la-giup-tang-nang-suat-nganh-bo-sua-cua-stellapps-a31243.html