Năm 2021, điểm sáng của hoạt động sở hữu trí tuệ là Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ hai địa phương Bắc Giang và Bình Thuận đăng ký thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản.
Việc được cấp chỉ dẫn địa lý tại thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao này đã khẳng định uy tín của nông sản Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu tiêu thụ nông sản ở các thị trường khác. Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, ngay năm đầu tiên được cấp chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản, vải thiều Lục Ngạn trở thành thương hiệu mạnh, tiêu dùng trong nước thuận lợi, không phải giải cứu ngay cả khi Bắc Giang đang là tâm dịch của cả nước. Tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc cũng chủ yếu qua mạng do tin tưởng về chất lượng, thay vì có hàng trăm thương nhân đến trực tiếp thu mua như các năm trước. Giá bán buôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, có thời điểm cao hơn những năm không có dịch.
Trên cơ sở đăng ký bảo hộ thành công hai nông sản đầu tiên ở thị trường Nhật Bản đã thúc đẩy việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài. Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài cho một số sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2022-2025. Trước mắt, sẽ lựa chọn ba sản phẩm là vải thiều của tỉnh Bắc Giang, xoài của tỉnh Ðồng Tháp, nhãn và long nhãn của tỉnh Sơn La để nghiên cứu thí điểm đánh giá xác định sản phẩm tiềm năng và thị trường trọng điểm để có hướng hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý ở các thị trường phù hợp.
Những hoạt động đó đã cho thấy nhận thức về vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ ngày càng tăng. Chỉ dẫn địa lý đã chứng tỏ là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu. Tuy nhiên, điểm yếu của nhiều chỉ dẫn địa lý trong nước hiện nay khiến khó khăn khi tiếp cận thị trường lớn trong nước và khó bền vững trên thị trường thế giới là chưa xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, chưa áp dụng quy trình sản xuất để tạo ra sự đồng đều cho sản phẩm và chưa sản xuất với quy mô lớn, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP còn ít. Do vậy, bên cạnh việc các bộ, ngành đồng hành với địa phương trong việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, thúc đẩy nông sản vươn ra thị trường thế giới thì chính quyền địa phương, hiệp hội, từng hộ sản xuất, kinh doanh cần có chiến lược phát huy tính bền vững của chỉ dẫn địa lý, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về quản lý, khai thác chỉ dẫn địa lý từ các địa phương đã có những thành công nhất định, nếu không sẽ có không ít chỉ dẫn địa lý bị mai một dần.
Thực tiễn đăng ký thành công các chỉ dẫn tại Nhật Bản sẽ là bài học quý báu cho nhiều chỉ dẫn địa lý khác, đó là chính quyền cần quan tâm, khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý ngay sau khi được cấp đăng ký ở trong nước, để từ đó sẵn sàng tiếp cận các thị trường nước ngoài đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Quan trọng nhất trong quá trình đó là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý, các ngành chức năng cần tiếp tục nâng cao chất lượng và duy trì tính đặc trưng của sản phẩm; quan tâm nhiều hơn đến việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường mở rộng sản xuất theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, thực hiện cấp mã số vùng trồng, kết hợp với giám sát, đánh giá chất lượng định kỳ của sản phẩm.
Theo Nhân dân
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/phat-huy-gia-tri-chi-dan-dia-ly-a7384.html