STNN - Thời gian qua, tại bản Yên Thành và bản Tráng thuộc xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra tình trạng chặt phá rừng nghiêm trọng.
Tạp chí Sinh thái Nông nghiệp nhận được phản ánh của người dân địa phương về tình trạng khai thác gỗ trái phép tại bản Yên Thành và bản Tráng, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh.
Sáng ngày 03/01, theo chân người dân địa phương, PV đã tới hiện trường khu vực hón Hiên và hón Tẹc để tìm hiểu về tình trạng mà người dân đã phản ánh.
Men theo các lối đi mà những đối tượng “lâm tặc” mới múc và san thành đường trong khu vực thuộc rừng tự nhiên quả là không dễ chút nào! Đặc biệt, trong những ngày này, trời mưa, đường dốc trơn trượt nên việc di chuyển càng trở nên khó khăn hơn.
Người dân dẫn đường luôn nhắc: “Phải đi cẩn thận không là trượt ngã”. Khi PV hỏi: “Đường dốc thế này thì họ lấy gỗ ra như thế nào?”, người dẫn đường nói: “Nếu mưa, đường trơn thì họ không vào lấy gỗ được, còn những hôm trời nắng, họ mang xe máy kéo vào chở gỗ ra. Có ngày, họ chở ra những 4 - 5 xe”.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ, PV cũng đã đến được khu vực rừng bị khai thác trái phép. Một cảm giác bàng hoàng, xót xa khi trước mắt là la liệt những cây gỗ rừng tự nhiên hón Hiên và hón Tẹc bị đốn hạ. Những gốc cây còn nguyên vết cưa cắt mới, còn ứa nhựa – ứa máu của gỗ.
Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ qua điện thoại thông báo cho UBND huyện Lang Chánh về việc phá rừng tự nhiên tại xã Yên Thắng. Ngay sau khi nắm được thông tin về vụ phá rừng tự nhiên trên địa bàn xã Yên Thắng, ngày 05/01, lãnh đạo UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo thành lập Đoàn công tác gồm Phòng Nông nghiệp huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Yên Thắng đi kiểm tra và xác minh hiện trường vụ phá rừng.
Mở rộng kiểm tra, Đoàn công tác của huyện đã xác định được 5 điểm phá rừng tự nhiên tại nhiều khu vực trên địa bàn xã Yên Thắng với 198 cây gỗ rừng tự nhiên có đường kính từ 20 - 40cm bị chặt hạ.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh, đến chiều ngày 05/01, Hạt đã thống kê được vị trí xảy ra phá rừng tại các khu vực sau: Lô 29, khoảnh 5, tiểu khu 490 và Lô 22 khoảnh 5; lô 73, khoảnh 1; lô 54, khoảnh 1, tiểu khu 369 đều là rừng tự nhiên tái sinh, thuộc địa bàn thôn Yên Thành và thôn Tráng, xã Yên Thắng. Tổng số, có 198 cây thuộc gỗ từ nhóm 6 đến nhóm 8, đường kính từ 20 - 40cm.
Trao đổi với PV vào chiều ngày 05/01, ông Lê Đức Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh xác nhận, trên địa bàn xã Yên Thắng đã xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép.
Hiện nay, cơ quan chức năng của huyện và chính quyền địa phương đang xác minh, tìm ra chủ rừng nơi gỗ rừng tự nhiên bị khai thác trái phép và thống kê số lượng cây, khối lượng gỗ để báo cáo lãnh đạo Huyện ủy Lang Chánh, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ông Lê Đức Tiến khẳng định, quan điểm của lãnh đạo huyện là sẽ xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân liên quan đến các vụ phá rừng tại xã Yên Thắng. Nếu là vi phạm hành chính sẽ xử phạt nghiêm khắc, còn nếu có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra theo thẩm quyền.
Thiết nghĩ, tình trạng phá rừng trên địa bàn xã Yên Thắng đã xảy ra trong suốt một thời gian như vậy mà tại sao chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không phát hiện kịp thời để ngăn chặn?
Chúng tôi được biết, Hạt Kiểm lâm Lang Chánh có 2 trạm kiểm lâm. Trong khi đó, khu vực bị khai thác gỗ tự nhiên trái phép nằm giữa 2 trạm kiểm lâm, ở cự li không xa, và chỉ có duy nhất 1 con đường độc đạo đi qua, vậy mà tại sao các đối tượng lâm tặc khai thác gỗ trái phép với số lượng rất lớn như vậy vẫn vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn mà không gặp trở ngại gì? Trường hợp này khiến chúng ta liên tưởng tới câu nói trong dân gian “con voi chui qua lỗ kim” là có thật.
Trần Thành
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/lang-chanh-thanh-hoa-hang-tram-cay-go-rung-tu-nhien-bi-lam-tac-ngang-nhien-chat-pha-a15039.html