Quy định đình chỉ việc khai thác cây gỗ rừng tự nhiên trong rừng luồng: Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa nói gì?

Sau khi bài viết “Quy định của Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa liệu có quá cứng nhắc gây khó khăn cho người dân?”, liên quan đến phản ánh của người dân về việc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa ra văn bản kiên quyết đình chỉ việc cho khai thác cây gỗ rừng tự nhiên trong rừng luồng, rừng keo, rừng trồng khác” được đăng tải, phóng viên Tạp chí điện tử Sinh thái Nông nghiệp đã làm việc với Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa.

rừng
Ảnh minh họa

Năm 2018, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã ra văn bản số 301/CCKL-QLBVR ngày 29/6/2018 trong đó có nội dung “Kiên quyết đình chỉ việc cho khai thác cây gỗ rừng tự nhiên trong rừng luồng, rừng keo, rừng trồng khác”. Tới năm 2020, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có ý kiến chỉ đạo “Diện tích rừng luồng bị suy thoái thuộc đối tượng rừng phòng hộ… không được cải tạo để trồng rừng mới, không khai thác cây gỗ tái sinh tự nhiên trong rừng luồng” (CV số 1751/SNN&PTNT-CCKL, ngày 12/5/2020).

Theo phản ánh của một số người dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các quy định trên đã gây ra nhiều khó khăn trong suốt thời gian dài, ảnh hưởng tới cây luồng, cây keo trong rừng sản xuất. Cụ thể những cây gỗ tạp mọc tái sinh trong rừng luồng có khi cao hơn 2,5m. Khi cây gỗ còn bé thì cây luồng vẫn phát triển rất tốt, nhưng khi cây gỗ phát triển to lên thì cây luồng phát triển rất kém…

Để có thông tin đa chiều, phóng viên Tạp chí điện tử Sinh thái Nông nghiệp đã có buổi làm việc trực tiếp với Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa. Tại buổi làm việc, ông Lê Xuân Cải – Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Theo văn bản số 1425/TCLN-PCTT ngày 13/9/2019 của Tổng cục Lâm nghiệp, nếu các hộ gia đình trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có xác nhận về quyền sở hữu đối với tài sản trên đất thì các cây gỗ rừng tự nhiên trên đất thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện sở hữu. Mặt khác, trước giờ chưa có văn bản nào xác nhận chủ sở hữu đối với cây tái sinh tự nhiên tại rừng trồng.”

Theo quan điểm của Luật sư Phạm Viết Luân – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa thiếu linh hoạt, mềm dẻo trong việc giải quyết kiến nghị của người dân. Bởi vì trên thực tế, người dân khi nhận bàn giao diện tích đất để trồng luồng phát triển kinh tế lâm nghiệp, không có bất kể cây tái sinh tự nhiên nào được bàn giao. Chỉ trong quá trình người dân trồng và chăm sóc rừng luồng, mới xuất hiện những cây tái sinh tự nhiên. Nên thật khó có người dân nào có giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận quyền sở hữu của mình.

Trải qua nhiều năm, những cây tái sinh tự nhiên mới mọc và phát triển thành cây gỗ lớn, hơn nữa những cây gỗ đó còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây luồng khi mà cây luồng bị chiếm mất không gian sinh trưởng. Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cấp phép để người dân được khai thác những cây tái sinh đó, e rằng sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây luồng – vốn là cây thế mạnh của địa phương và là nguồn thu nhập chính của người dân. Khi quyền lợi của người dân không được đảm bảo, liệu rằng người dân có còn mặn mà với việc giữ gìn, phát triển những cây tái sinh tự nhiên?

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định về khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng (khai thác chính, khai thác tận thu, tận dụng đối với gỗ rừng trồng) và Phụ lục kèm theo văn bản số 1425/TCLN-PCTT ngày 13/9/2019 của Tổng cục Lâm nghiệp giải đáp, hướng dẫn việc khai thác tận thu những cây gỗ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, rừng trồng là rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản có hướng dẫn chặt chẽ. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cũng không nên máy móc, cứng nhắc mà cần phải có chính sách mềm dẻo hơn trên thực tiễn để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, gắn quyền lợi cụ thể cho người dân. Điều này sẽ khuyến khích, phát huy tối đa nguồn lực của người dân trong việc chăm sóc, giữ gìn những loại cây tái sinh tự nhiên nhằm phát triển và bảo vệ rừng tốt hơn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây