Quy định của Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa liệu có quá cứng nhắc gây khó khăn cho người dân?

Tạp chí điện tử Sinh thái Nông nghiệp nhận được phản ánh của người dân trên địa bàn các huyện Thường Xuân, Quan Hóa về việc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa ra văn bản số 301/CCKL-QLBVR ngày 29/6/2018 trong đó có nội dung “Kiên quyết đình chỉ việc cho khai thác cây gỗ rừng tự nhiên trong rừng luồng, rừng keo, rừng trồng khác” và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa có ý kiến chỉ đạo “Diện tích rừng luồng bị suy thoái thuộc đối tượng rừng phòng hộ… không được cải tạo để trồng rừng mới, không khai thác cây gỗ tái sinh tự nhiên trong rừng luồng” (CV số 1751/SNN&PTNT-CCKL, ngày 12/5/2020) liệu có quá chặt chẽ và gây khó khăn cho các hộ trồng rừng trên địa bàn?

Rừng luồng ở Quan Hoá

Để tìm hiểu về vấn đề trên, phóng viên đã trao đổi với Luật sư Phạm Viết Luân đến từ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và được giải đáp:

“Điều 29 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định về khai thác lâm sản trong rừng sản xuất là rừng trồng (khai thác chính, khai thác tận thu, tận dụng đối với gỗ rừng trồng) và Phụ lục kèm theo Văn bản số 1425 /TCLN-PCTT ngày 13/9/2019 của Tổng cục Lâm nghiệp giải đáp, hướng dẫn việc khai thác tận thu những cây gỗ rừng tự nhiên còn sót lại trên nương rẫy, rừng trồng là rừng phòng hộ, rừng sản xuất như sau:

– Trường hợp diện tích đất nương rẫy, diện tích đất rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất còn sót lại các cây gỗ rừng tự nhiên, nhưng khi cấp có thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân đã xác nhận tài sản trên đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân được giao đất thì việc khai thác thực hiện theo Điều 15 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

– Trường hợp diện tích đất nương rẫy, diện tích đất rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất còn sót lại các cây gỗ rừng tự nhiên, nhưng khi cấp có thẩm quyền giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân không ghi hoặc không xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản trên đất, thì các cây gỗ rừng tự nhiên trên đất thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, đối với trường hợp này thì kiểm đếm, thống kê, lập hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi tài sản theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”.

Trở lại với nguyện vọng của người dân, ông Vi Văn Dom tại xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi sinh sống tại địa phương. Bản thân chúng tôi là người dân tộc, kinh tế rất khó khăn, được Nhà nước giao đất để trồng rừng. Nhà tôi trồng được 2ha rừng luồng, trong đó những cây gỗ tạp xen lẫn vào rừng luồng, cây luồng bị các cây gỗ tạp xen lẫn đó ăn hết đất màu nên cây không phát triển được. Tôi có xin kiểm lâm nhưng các anh kiểm lâm bảo có văn bản của Sở NN&PTNT, văn bản của Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa là không được khai thác gỗ trong rừng trồng”.

Chúng tôi tiếp tục tới huyện Quan Hóa, một trong những huyện có diện tích rừng tre luồng lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với chính sách tạo điều kiện phát triển rừng luồng. Liên hệ với ông Hà Văn Quân, một trong những hộ trồng luồng ở xã Nam Xuân, ông Xuân cho biết: “Gia đình tôi có 3ha rừng luồng, trong khi đó có những cây gỗ tạp mọc lên trong rừng luồng, có một số cây to khoảng 20-30cm, cao khoảng 2,5m. Vài năm trước, cây gỗ còn bé thì cây luồng vẫn phát triển rất tốt nhưng mấy năm trở lại đây cây gỗ to lên khiến cho cây luồng phát triển rất kém. Tôi có xin các anh kiểm lâm cho chặt cây gỗ đó để cho luồng phát triển tốt hơn nhưng các anh ấy giải thích là giờ không được khai thác cây trong rừng trồng nữa, có Văn bản của Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo rồi. Giờ tôi không biết phải làm thế nào, rất mong các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng xem xét lại cho bà con chúng tôi phát triển cây luồng ở địa phương như trước kia”.

Như vậy, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa “Kiên quyết đình chỉ việc cho khai thác cây gỗ rừng tự nhiên trong rừng luồng, rừng keo, rừng trồng khác” theo Công văn số 301/CCKL-QLBVR ngày 29/6/2018 và Công văn số 1751/SNN&PTNT-CCKL ngày 12/5/2020 của Sở NN&PTNT Thanh Hóa “không được cải tạo để trồng rừng mới, không khai thác cây gỗ tái sinh tự nhiên trong rừng luồng” đối với tất cả các hộ trồng rừng mà chưa điều chỉnh, cập nhật theo các văn bản hiện hành, liệu có quá cứng nhắc gây khó khăn cho đời sống của người dân?

PV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây