STNN - Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh chuyển hóa rừng trồng keo gỗ lớn FSC”.
Tính đến năm 2022, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 11.316,55 ha, trong đó có 394,69 ha rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa; 10.921,86 ha rừng trồng sản xuất gỗ các loài Keo. Diện tích được cấp chứng chỉ FSC đã tăng thêm 592 ha nâng tổng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn tỉnh đạt 11.300,72 ha. Trong đó, diện tích có chứng chỉ FSC: 10.484,15 ha, diện tích có chứng chỉ VFCS/PEFC là 816,57 ha.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong bối cảnh đóng cửa hoàn toàn rừng tự nhiên, ngành lâm nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng định hướng kinh doanh rừng trồng gỗ lớn thay thế cho nguyên liệu gỗ gia dụng, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây được xác định là hướng đi mới, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp, cải thiện thu nhập cho các hộ lâm dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Việc tăng thêm diện tích rừng trồng gỗ lớn, nhất là đối với loài Keo để đa dạng hoá sản phẩm gỗ rừng trồng, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh rừng trồng tham gia chứng chỉ rừng bền vững FSC để gia tăng giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay của địa phương.
Qua đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành lâm nghiệp đã chủ động, phối hợp các ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Để thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, ông Hoàng Hải Minh đề nghị ngành lâm nghiệp tiếp tục phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả của trồng và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ lớn; vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Ưu tiên nguồn kinh phí để trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; Nghiên cứu khảo nghiệm áp dụng các giống trồng rừng có năng suất sản lượng cao; các mô hình trồng xen để hạn chế sâu bệnh hại rừng, hạn chế rủi ro cho người trồng rừng. Nghiên cứu tham mưu áp dụng chính sách bảo hiểm rừng trồng trên địa bàn tỉnh để người dân yên tâm tham gia trồng rừng gỗ lớn.
Ngọc Minh
Link nội dung: https://sinhthainongnghiep.net.vn/thua-thien-hue-day-manh-chuyen-hoa-rung-trong-keo-go-lon-fsc-a21419.html