Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống bạch đàn (GLGU9, GLSE9, GLU4) chất lượng cao bằng nuôi cấy mô quy mô công nghiệp phục vụ trồng rừng tại vùng Đông Bắc Bộ

STNN – Bạch đàn, là loài cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, chu kỳ khai thác ngắn, có nhiều công dụng khác nhau trong sản xuất, đời sống, kinh tế – xã hội, nên bạch đàn được coi là một trong những loài cây trồng rừng chính ở nước ta.

Trong những năm gần đây, kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật đã không ngừng phát triển và thu được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, quy trình nhân giống 3 giống bạch đàn nhập nội bao gồm GLGU9, GLSE9, GLU4, bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, đã được thực hiện vào năm 2011-2012, nhưng nhiều công đoạn trong quy trình công nghệ sản xuất chưa được hoàn thiện như: giai đoạn vào mẫu tạo vật liệu ban đầu còn sử dụng HgCl2 gây độc hại cho người sử dụng và môi trường, chất lượng chồi, rễ còn kém, hệ số nhân chồi và số chồi hữu hiệu còn thấp… Giai đoạn ra rễ chưa chuẩn hoá được các tiêu chuẩn của chồi khi cắt ra rễ: Chiều cao chồi, tuổi chồi, mật độ cấy với từng cỡ bình, và cấy chồi trong túi nilon để cây ra rễ, dễ vận chuyển đi xa, giảm cước phí vận tải. Tỷ lệ ra rễ chưa cao, chất lượng bộ rễ còn kém, đầu rễ bị đen hoặc trắng đục… Xuất phát từ lý do trên, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh do ThS. Ngô Thị Nguyệt dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống bạch đàn (GLGU9, GLSE9, GLU4) chất lượng cao bằng nuôi cấy mô quy mô công nghiệp phục vụ trồng rừng tại vùng Đông Bắc Bộ”.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu hoàn thiện được quy trình công nghệ nhân giống cây bạch đàn (GLGU9, GLSE9, GLU4) bằng nuôi cấy mô quy mô công nghiệp; sản xuất và thương mại được giống cây bạch đàn (GLGU9, GLSE9, GLU4) có chất lượng cao, giá cạnh tranh; và thành lập được doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

– Đã xác định được môi trường tối ưu nhất cho từng giống bạch đàn và xây dựng 03 quy trình nhân giống bạch đàn GLGU9; GLSE9; GLU4 bằng nuôi cấy mô quy mô công nghiệp được công nhận ở cấp cơ sở .

– Đã sản xuất 3.006.426 đạt 100,2 % kế hoạch cây và tiêu thụ 2.777.076 cây giống mầm mô/3 giống, số lượng cây còn trong lọ chưa xuất bán 225.500 cây. Tiêu chuẩn cây giống đáp ứng yêu cầu, chiều cao cây đạt từ 2-3 cm, có 4-5 rễ/cây, chiều dài rễ đạt từ 2,5-3 cm.

– Đã sản xuất 520.150 cây đạt 104% kế hoạch và tiêu thụ 429.050 cây giống thành phẩm, số cây còn trên vườn 91.100 cây. Tiêu chuẩn cây giống đáp ứng yêu cầu, thời gian cấy ra vườn ươm từ 2,5-3 tháng, chiều cao vút ngọn đạt từ 25-30 cm, đường kính cổ rễ tối thiểu đạt 0,2 cm, cây đã được đảo bầu ít nhất 1 lần trước khi đem trồng rừng, tỷ lệ xuất vườn đạt > 90%.

– Đã xây dựng 03 mô hình khảo nghiệm dòng vô tính bạch đàn GLGU9, GLSE9, GLU4 tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn quy mô 2ha/vùng. Kết quả bước đầu cho thấy 03 giống bạch đàn GLGU9, GLSE9, GLU4 có vượt trội hơn về chiều cao cây và đường kính gốc so với hai giống đối chứng là U6 và PN14, sự sai khác đảm bảo độ tin cậy.

– Đã xây dựng 03 mô hình trồng rừng bạch đàn GLGU9, GLSE9, GLU4 tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn quy mô 13ha/vùng. Kết quả bước đầu cho thấy 03 giống bạch đàn GLGU9, GLSE9, GLU4 chưa có sự sai khác về chiều cao cây và đường kính gốc.

Việc hoàn thiện quy trình nhân giống đã giảm thiểu sự độc hại tới người lao động trực tiếp cũng như ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh; làm tăng hệ số nhân giống, chất lượng cây giống, hạ giá thành sản phẩm, cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của thị trường.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18387/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Theo vista.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây