STNN – Đây là Dự án do FAO tài trợ cho Việt Nam do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (Viện 1) chủ trì. Dự án triển khai các hoạt động ở các khu nuôi ngao tập trung tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Tại buổi làm việc vào cuối tháng 7 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện Cục Thủy sản, Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO RAP); đại diện của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (Viện 1); bà Tipparat Pongthanapanich - Trưởng đại diện FAO RAP đã đề xuất Cục Thủy sản và các đơn vị của Cục phối hợp triển khai Dự án “Nhân rộng ứng dụng các sáng kiến và thực hành tốt trong nuôi và phát triển chuỗi giá trị ngao (nghêu) ở Việt Nam”.
Đây là Dự án do FAO tài trợ cho Việt Nam do Viện 1 chủ trì. Thời gian thực hiện dự án 2023 - 2024 (có thể kéo dài, nhưng không quá 2 năm). Dự án triển khai các hoạt động ở các khu nuôi ngao tập trung tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Viện 1 sẽ tham gia với tư cách là đối tác quốc gia và sẽ thực hiện các hoạt động dự án. FAO sẽ quản lý hoạt động của chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước và mua sắm trang thiết bị (FAO có thể ủy quyền cho Viện nếu kinh phí và trang thiết bị mua sắm nằm trong phạm vi có thể ủy quyền theo quy định của FAO).
Mục tiêu chung của Dự án là góp phần cải thiện dinh dưỡng và an ninh lương thực bằng cách chuyển đổi ngành nuôi trồng thủy sản thông qua sự chuyển đổi và thực hành tốt.
Mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng nuôi ngao và các bên tham gia vào phát triển mô hình quản lý cộng đồng và chuỗi giá trị ngao nuôi ở Thanh Hóa. Nâng cao năng lực quản lý của Hội nuôi ngao Hậu Lộc, Thanh Hóa qua mô hình đồng quản lý.
Sự hỗ trợ của FAO thông qua Dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực quốc gia để phát triển nghề nuôi ngao bền vững hơn, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu, ổn định hơn sinh kế cho cộng đồng ven biển.
Dự án gồm có 4 hợp phần. Cụ thể hợp phần 1: Điều tra và đánh giá hiện trạng nuôi ngao ở Bến Tre và Thanh Hóa. Hợp phần 2: Xây dựng và triển khai mô hình trình diễn. Hợp phần 3: Phổ biến kiến thức và thúc đẩy áp dụng các đổi mới và thực hành tốt. Hợp phần 4: Xây dựng một số tài liệu hướng dẫn thực hiện các đổi mới và thực hành tốt.
Trước đó, Dự án đã được triển thí điểm ở Bến Tre. “Trong Dự án này, mô hình thử nghiệm ở miền Nam sẽ được áp dụng cho ngao nuôi ở miền Bắc tập trung vào áp dụng phát triển chuỗi giá trị và đồng quản lý thông qua sự tham gia có hiệu quả của các bên liên quan ở cấp cộng đồng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp”, bà Tipparat Pongthanapanich cho biết.
Phạm Khánh Huyền (TH)