Đánh bắt ngao đầm lầy ở cửa sông Seomjingang vào Hệ thống Di sản Nông nghiệp Quan trọng Toàn cầu

STNN – Khu vực đánh bắt ngao đầm lầy bằng lưới tay độc đáo ở cửa sông Seomjingang của Hàn Quốc vừa được Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ghi nhận là Hệ thống Di sản Nông nghiệp Quan trọng Toàn cầu (GIAHS) mới nhất. Đây cũng là địa điểm thứ 6 của Hàn Quốc có mặt trong danh sách hệ thống GIAHS.

Ngao là nguồn lương thực và thu nhập chính của cư dân địa phương vùng cửa sông Seomjingang.

Một khu vực nổi tiếng với việc sử dụng lưới tay để đánh bắt ngao đầm lầy ở cửa sông Seomjingang, Hàn Quốc là địa điểm mới nhất được chính thức công nhận thuộc Hệ thống Di sản Nông nghiệp Quan trọng Toàn cầu (GIAHS). Việc công nhận được thông qua trong cuộc họp Nhóm tư vấn khoa học GIAHS diễn ra tại Valencia, Tây Ban Nha vừa qua.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), các tiêu chí lựa chọn quy định các địa điểm được công nhận phải có tầm quan trọng toàn cầu, có giá trị như một loại hàng hóa, hỗ trợ an ninh lương thực và sinh kế, đa dạng sinh học nông nghiệp, hệ thống tri thức bền vững và tập quán, các giá trị văn hóa xã hội cũng như các danh lam thắng cảnh nổi bật. Nhiều địa điểm giới thiệu các phương pháp thực hành xuất sắc giúp các hệ thống nông sản có khả năng phục hồi tốt hơn trước biến đổi khí hậu, đồng thời sử dụng đa dạng sinh học và quản lý hệ sinh thái một cách bền vững, hỗ trợ sản xuất lương thực và sinh kế.

Hệ thống đánh bắt Sonteul (lưới tay) cho ngao đầm lầy ở cửa sông Seomjingang nằm ở trung tâm phía tây của Hàn Quốc. Ở hầu hết các con sông của đất nước, ngao đầm lầy gần như tuyệt chủng. Trong bối cảnh đó, sự đa dạng về môi trường và sinh thái của lưu vực sông, được hỗ trợ bởi những nỗ lực của cộng đồng địa phương, đóng vai trò là môi trường sống thân thiện cho loài sinh vật đào hang sâu này.

Để bắt ngao, ngư dân lội xuống sông và cào ngao bằng một công cụ gọi là georaengyee (máy cào bằng tay). Phương pháp truyền thống này đã chứng minh tính bền vững, thích nghi tốt với đặc điểm sinh thái và môi trường của dòng sông, giúp loại bỏ các chất ô nhiễm lắng đọng dưới đáy sông đồng thời tạo điều kiện cung cấp vật liệu hữu cơ mới và tạo ra oxy thủy sinh.

Từ xưa đến nay, ngao vẫn là nguồn lương thực và thu nhập chính của cư dân địa phương, bên cạnh trồng lúa, chè xanh, mận xanh, hồng, hạt dẻ và các loại nông sản khác.

Từ tháng 4 đến tháng 11, hoạt động thu hoạch ngao bằng lưới tạo nên một “cảnh quan văn hóa” riêng biệt. Tận dụng hệ thống nghề cá truyền thống này, lễ hội ngao đầm lầy được tổ chức vào tháng 7 hàng năm và mùa đánh bắt ngao luôn thu hút một lượng lớn khách du lịch chụp ảnh và trải nghiệm trực tiếp phong cảnh cũng như các hoạt động truyền thống.

Đây là địa điểm thứ sáu ở Hàn Quốc được chỉ định theo chương trình, sau Hệ thống Ruộng bậc thang được tưới Gudeuljang truyền thống ở Cheongsando (2014); Hệ thống Nông nghiệp Jeju Batdam (2014); Hệ thống Nông nghiệp Chè Hadong truyền thống ở Hwagae-myeon (2017); Hệ thống nông nghiệp nhân sâm truyền thống Geumsan (2018) và Hệ thống nông nghiệp cánh đồng tre Damyang (2020).

Với sự bổ sung mới nhất vào danh sách các hệ thống di sản nông nghiệp toàn cầu, mạng lưới di sản nông nghiệp trên toàn thế giới của FAO hiện bao gồm 78 hệ thống ở 24 quốc gia trên toàn cầu./.

Nguồn: mard.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây