LTS: Trình độ sản xuất nông nghiệp của Pháp được xếp hàng đầu thế giới. Có thể nói, nông nghiệp Pháp gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của các trang trại gia đình. Bài viết tổng kết vai trò hỗ trợ của chính sách, pháp luật nước bạn, trên cơ sở phân tích tình hình phát triển và biến đổi của các trang trại gia đình tại Pháp. Nghiên cứu cho thấy, với sự hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai và nhiều loại chính sách khác, các trang trại gia đình ở Pháp đã phát triển nhanh chóng với quy mô lớn, nhờ đó đạt được cơ giới hóa, tin học hóa và chuyên môn hóa cao. Dựa trên kinh nghiệm phát triển trang trại gia đình quy mô vừa ở Pháp, nên chăng chúng ta cũng cần định hướng phát triển trang trại gia đình và thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp từ các khía cạnh chính sách, công nghệ và nhân tài? Bài viết này như một nguồn tài liệu tham khảo, để độc giả rút ra những kinh nghiệm và có thêm nguồn cảm hứng, ý tưởng xây dựng các mô hình nông nghiệp mới. |
Nhờ công nghệ hiện đại, chính sách và chiến lược phát triển phù hợp, các mô hình sản xuất nông nghiệp của Pháp ngày càng được hoàn thiện, Pháp đã trở thành nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU và từng là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Sản lượng các mặt hàng nông sản của Pháp như hoa, ngô, lúa mì, lúa mạch, nho, rau củ… đứng đầu thế giới. Trình độ phát triển cao tới vậy của nền nông nghiệp Pháp không thể tách rời mô hình kinh doanh trang trại gia đình của nước này.
Sự thay đổi trong đặc trưng của nông trại gia đình tại Pháp
Đặc điểm tiêu biểu của giai đoạn đầu khi phát triển trang trại gia đình ở Pháp là quá trình chuyển đổi từ tư nhân hóa đất đai sang hình thức tập trung hóa. Trước Cách mạng Pháp năm 1789, 35% đất nông nghiệp được kiểm soát bởi quý tộc phong kiến và các nhà truyền giáo, trong khi nhóm này chỉ chiếm 2% tổng dân số; ngược lại, nông dân, bộ phận chiếm hơn 95% tổng dân số, chỉ sở hữu 65% đất đai, tính tích cực sản xuất của nông dân tương đối thấp. Cách mạng Pháp bùng nổ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ ruộng đất phong kiến và sự suy tàn của giai cấp quý tộc phong kiến truyền thống.
Lúc này, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật, bán ruộng đất của giai cấp phong kiến cho nông dân, tiểu nông... thì kinh tế mới bắt đầu phát triển. Nông dân có đất đai riêng, theo đó bắt đầu tích cực hơn trong việc tham gia sản xuất, tuy nhiên, việc quản lý đất đai phi tập trung này không hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa tư bản bởi tình trạng đất đai quá phân tán, khó tận dụng được lợi thế quy mô. Vào cuối thế kỷ 19, tư bản Pháp phát triển hơn nữa và việc quản lý đất đai tập trung bắt đầu xuất hiện.
Bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, đặc biệt là sau Thế chiến thứ hai, Chính phủ Pháp dần tăng cường chú trọng vào nông nghiệp và đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp. Chính phủ Pháp đã ban hành hàng loạt biện pháp như chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích đất và chính sách điều chỉnh cơ cấu phát triển nông nghiệp. Ở giai đoạn này, mô hình phát triển nông nghiệp đặc trưng của Pháp là kinh tế nông dân quy mô nhỏ dần sụp đổ, quá trình này được đẩy nhanh hơn bởi sự sáp nhập và tập trung của các trang trại gia đình, thay vào đó, mô hình phát triển nông nghiệp do các trang trại gia đình quy mô vừa dần nổi lên.
Trong thời kỳ này, đặc điểm điển hình của các trang trại gia đình ở Pháp là số lượng trang trại gia đình giảm, nhưng diện tích trung bình của các trang trại lại dần tăng lên. Từ năm 1955 đến năm 1970, số lượng trang trại gia đình ở Pháp có xu hướng giảm nhanh với mức giảm 32,08% hàng năm; trong khi diện tích trung bình của các trang trại có xu hướng mở rộng nhanh chóng với mức tăng hàng năm là 39,60%. Nguyên nhân của sự biến đổi này là do việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và sự thu hẹp liên tục của số lượng trang trại, khiến diện tích trung bình của trang trại gia đình ngày càng mở rộng.
“Giai đoạn trưởng thành” cuối thập niên 1970 đến nay
Trong thời kỳ này, Chính phủ Pháp đã thúc đẩy các chủ trang trại gia đình kiểm soát quy mô hoạt động bằng cách thực hiện các chính sách như miễn, giảm thuế hoặc hỗ trợ tài chính. Theo đà gia tăng sản xuất và vận hành với quy mô lớn của các trang trại gia đình, quá trình hiện đại hóa nông nghiệp của Pháp dần tiến xa hơn. Trong quá trình phát triển nền nông nghiệp Pháp, sự chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp cũng đã bước vào một giai đoạn mới, đồng thời với việc hệ thống dịch vụ nông nghiệp ngày càng hoàn thiện.
Ngày nay, hệ thống sản xuất chuyên nghiệp của các trang trại gia đình Pháp về cơ bản đã thành hình, phát triển mạnh, có thể kể đến: trang trại ngũ cốc, trang trại cây ăn quả, trang trại rau, trang trại chăn nuôi... Hiện tại, 60% trang trại gia đình ở Pháp chuyên trồng ngũ cốc, 11% trang trại gia đình chuyên trồng hoa, 8% trang trại gia đình chuyên trồng rau, 5% trang trại chuyên về chăn nuôi, 5% trang trại gia đình trồng cây ăn quả và các trang trại khác áp dụng chiến lược kinh doanh đa dạng.
Các chính sách hỗ trợ
Trước Cách mạng Pháp, phần lớn đất đai ở Pháp được kiểm soát bởi bộ phận thiểu số như giáo sĩ và quý tộc phong kiến, những người chỉ chiếm 2% tổng dân số Pháp, trong khi phần lớn nông dân lại sở hữu tương đối ít đất đai. Khi cuộc đại cách mạng diễn ra, luật đất đai đã được thay đổi. Chính phủ Pháp đã thực hiện chính sách chia nhỏ các mảnh đất trước đây thuộc về quý tộc phong kiến và bán chúng ra cho những người nông dân. Quá trình này diễn ra từ từ, không phải là bán hết ngay lập tức. Rất nhiều đất đai đã được phân chia và bán ra, để nhiều người có cơ hội sở hữu đất. Người mua có thể trả phí trong vòng 10 năm.
Đất công cộng được chia ra cho từng gia đình theo tỷ lệ dân số của mỗi gia đình, và có hạn ngạch về diện tích đất mà mỗi gia đình có thể sở hữu. Trong giai đoạn đầu phát triển, nông dân có đất đai riêng, tích cực trong sản xuất, sản lượng nông nghiệp cũng được theo đó mà tăng. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng có những hạn chế nhất định, chẳng hạn như việc quản lý đất đai theo cách phân tán ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây cản trở sự tăng trưởng sản lượng nông sản.
Với sự ra đời của Cách mạng Công nghiệp, phương pháp quản lý phi tập trung truyền thống này đã cản trở nghiêm trọng sự phát triển của nền nông nghiệp Pháp và ở một mức độ nào đó cũng hạn chế quá trình công nghiệp của nước này. Đầu thế kỷ 20, thị trường tư bản Pháp phát triển hơn nữa, sản xuất và hoạt động quy mô nhỏ dưới sự tập trung ruộng đất bắt đầu được tập trung hóa, hệ thống trang trại gia đình bước đầu phát triển.
Sau những năm 1950 của thế kỉ 20, tình hình thực tế ở Pháp là dân số đông và diện tích nông nghiệp hạn chế. Chính phủ Pháp đã thực hiện các biện pháp như điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp và ban hành các quy định pháp luật, các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của trang trại gia đình. “Luật Hướng dẫn nông nghiệp” được ban hành năm 1960 là văn bản tiêu biểu nhất, cũng là văn bản cương lĩnh cho sự phát triển nông nghiệp của Pháp trong giai đoạn này.
Trong thời kỳ này, Chính phủ Pháp, với sự hỗ trợ từ nguồn tài chính vững mạnh, đã xây dựng hàng loạt chính sách đất đai, chính sách tín dụng, chính sách giá, chính sách thuế…, tạo thành một bộ hệ thống chính sách hiệu quả và hoàn chỉnh. Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả của việc chuyển nhượng đất đai, chuyển nhượng lao động, Chính phủ Pháp đã ban hành nhiều quy định nhằm điều chỉnh vấn đề chuyển nhượng trong quá trình phát triển nông nghiệp.
Ngoài ra, tín dụng đầu tư nông nghiệp dần trở thành trọng tâm đầu tư tài chính quốc gia, các chính sách ưu đãi được triển khai đối với tín dụng liên quan đến nông nghiệp, đặc biệt là đối với các trang trại quy mô lớn, đã kích thích người nông dân mong muốn mở rộng hoạt động. Trong bối cảnh đó, việc quản lý tập trung đất nông nghiệp phát triển nhanh chóng, mức độ phổ biến của các trang trại gia đình đã tăng lên đáng kể. Đến giữa những năm 1970, quy mô trung bình của các trang trại gia đình ở Pháp đã mở rộng lên 21,3hm, đồng thời quy mô và số lượng các trang trại quy mô vừa cũng phát triển và tăng trưởng nhanh chóng.
Thông qua việc tập trung đất đai, nền nông nghiệp Pháp có thể hoạt động trên quy mô lớn, đặt nền móng cho việc hiện thực hóa nền nông nghiệp hiện đại được cơ giới hóa, thông tin hóa và chuyên nghiệp hóa. Để mở rộng hơn nữa quy mô quản lý đất đai tập trung, Pháp cũng đã tiến hành cải cách nông nghiệp vào năm 1992. Nội dung cụ thể của cải cách như sau: Chính phủ Pháp thực hiện trợ giá cho các sản phẩm nông nghiệp khi giá nông sản tại nước này thấp hơn giá tiêu chuẩn chung của EU, nhà nước sẽ trợ cấp tài chính, nhằm bảo vệ lợi ích của nông dân, hàng loạt chính sách kinh tế cũng được áp dụng để khuyến khích, hỗ trợ phát triển trang trại gia đình. Sau cuộc Cải cách nông nghiệp năm 1992, Chính phủ Pháp đã trợ cấp trực tiếp cho nông dân, đồng thời hạ thấp các tiêu chuẩn bảo hộ giá nông sản. Kim ngạch và phạm vi trợ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp của Pháp thật đáng kinh ngạc, chiếm gần một nửa thu nhập của các trang trại gia đình. Trong quá trình quản lý đất đai tập trung có thể xảy ra tình trạng điều chỉnh quá mức. Để tránh tình trạng này, Chính phủ Pháp cũng tích cực sử dụng chính sách thuế nhằm hạn chế tình trạng tập trung đất đai quá mức, đặt lợi ích tối đa của các trang trại quy mô vừa lên hàng đầu.
Chử Cường – Minh Huyền (theo Nông nghiệp thế giới)