Bản đồ thực vật phù du trên thế giới: Tảo nở hoa tăng mạnh trong giai đoạn 2003 – 2020

STNN – Hiện tượng nở hoa nước (water bloom) hay còn gọi là Thủy triều đỏ (red tide) là thuật ngữ chỉ sự nở hoa của các loài vi tảo. Hiện tượng này có thể gây ra rất nhiều vấn đề cho hệ thống thủy sinh.

Hình minh họa.

Tạp chí học thuật nổi tiếng thế giới “Nature” gần đây đã công bố bản đồ mô hình Tảo nở hoa trên mặt nước quy mô toàn cầu. Đây là kết quả do các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu, cho thấy quy mô và tần suất nở hoa của thực vật phù du ven biển trong giai đoạn 2003 – 2020 tăng lên hàng năm.

Kết quả của nghiên cứu về môi trường này cung cấp một nguồn dữ liệu quan trọng, hữu ích, hỗ trợ cho việc phát triển các chính sách môi trường có liên quan.

Theo bài báo, thực vật phù du nở hoa là sự tích tụ của vi tảo xảy ra trên bề mặt của cả hệ sinh thái biển và nước ngọt. Sự thay đổi bậc dinh dưỡng do các hoạt động của con người dự kiến sẽ làm tăng tần suất nở hoa của vi tảo.

Những “bông hoa” này cung cấp thức ăn và dinh dưỡng cho các sinh vật khác, nhưng chúng cũng có liên quan đến các tác động tiêu cực, như: tích tụ các sản phẩm độc hại trong lưới thức ăn và làm cạn kiệt ôxy, biến một hệ sinh thái cân bằng thành một “vùng chết” không có ôxy.

Các nghiên cứu trước đây đã gặp khó khăn trong việc mô tả đầy đủ các xu hướng nở hoa do lấy mẫu không nhất quán và sự đa dạng của các hệ sinh thái cụ thể ở những khu vực xảy ra hiện tượng nở hoa.

Feng Lian và các đồng nghiệp thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam của Trung Quốc, thông qua đánh giá 760.000 hình ảnh thu được từ vệ tinh Akha của NASA từ năm 2003 – 2020, đã tạo ra một bản đồ toàn diện về sự phân bố và xu hướng Tảo nở hoa trong thế kỷ 21.

Theo báo cáo nghiên cứu của họ, tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi hiện tượng Tảo nở hoa vào năm 2020 là 31,47 triệu km2 (chiếm 8,6% diện tích đại dương toàn cầu), tăng 3,97 triệu km2 so với năm 2003; trung bình tần suất toàn cầu cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng trong thời kỳ quan sát đạt 59,2%.

Các tác giả cũng quan sát thấy rằng, những thay đổi về nhiệt độ mặt nước biển và lưu thông đại dương có mối tương quan đáng kể với tần suất nở hoa trung bình; tại một số vùng, nhiệt độ tăng trùng với thời điểm nở hoa.

Các tác giả kết luận rằng, thông tin chi tiết về mức độ và tần suất nở hoa của thực vật phù du ngoài khơi có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu cách chúng hình thành và biến mất. Đồng thời, thông tin này có thể được sử dụng để đánh giá rủi ro và lợi ích của tảo nở hoa, cũng có thể giúp phát triển các chiến lược để giảm thiểu sự xuất hiện và hậu quả của tảo nở hoa có hại.

Diệu Thúy (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây