Công ty Hoa quả Hồng Cửu chính thức lên sàn chứng khoán Hồng Kông (kỳ 2)

STNN – Ngày 5/9/2022, cổ phiếu đầu tiên về hoa quả của Trung Quốc đã lên sàn chứng khoán. Công ty Hoa quả Hồng Cửu đã cầm ngọn cờ “Cổ phiếu hoa quả đầu tiên”. Hai anh hào Bách Quả, Tiên Phong cũng đang chuẩn bị lên sàn.

Vua nhập khẩu sầu riêng: với 10 tỉ CNY thu nhập hàng năm, nhưng nguồn vốn vẫn eo hẹp

Hình minh họa – Nguồn: Internet

Chuỗi cung ứng hàng cho Công ty Hoa quả Hồng Cửu chủ yếu từ nội địa Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Trong gần 20 năm kinh doanh của họ, có 49 loại hoa quả chính, trong đó phải kể đến sầu riêng, măng cụt, long nhãn, thanh long, cheri, nho. Công ty Hoa quả Hồng Cửu là nhà nhập khẩu hoa quả từ Đông Nam Á lớn nhất của Trung Quốc.

Năm 2021, sầu riêng là loại hoa quả được nhập khẩu vào Trung Quốc nhiều nhất, với kim ngạch gần 52,4 tỉ CNY. Theo báo cáo, Công ty Hoa quả Hồng Cửu là nhà nhập khẩu sầu riêng nhiều nhất Trung Quốc, chiếm 8,3% kim ngạch. Có nghĩa là, cứ 10 quả sầu riêng được người Trung Quốc ăn, thì có gần 1 quả là từ Hồng Cửu.

Đồng thời, các loại hoa quả khác cũng chiếm ưu thế, như: thanh long (2,2%), măng cụt (6,1%), long nhãn (2,8%) của Công ty Hoa quả Hồng Cửu cũng đứng top 5 các nhà phân phối. Từ năm 2019 đến năm 2021, Hồng Cửu đạt doanh thu lần lượt là 2,078 tỷ tệ, 5,771 tỷ tệ và 10,280 tỷ tệ, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 122,42% và doanh thu tăng 4,9 lần trong hai năm; lợi nhuận ròng đã điều chỉnh là 228 triệu tệ, 662 triệu tệ và 1,090 tỷ tệ, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm cao tới 118,48% và tỷ suất lợi nhuận ròng lần lượt là 11,0%, 11,5%, 10,6% và 13,0%.

Tuy các con số ấn tượng như vậy nhưng lợi nhuận gộp của Hồng Cửu không cao. Từ năm 2019 đến 2021 và tính đến 31/5/2022, tổng lợi nhuận của Công ty Hoa quả Hồng Cửu lần lượt là 393 triệu tệ, 957 triệu tệ, 1,613 tỷ tệ và 1,123 tỷ tệ; tỷ lệ lợi nhuận gộp là 18,9%, 16,6%, 15,7% 19,6%. Tỷ suất lợi nhuận gộp liên tục giảm trong ba năm liên tiếp, và phải đến tháng 5 năm nay, nó mới mở ra một bước ngoặt.

Về vấn đề này, Công ty Hoa quả Hồng Cửu giải thích trong bản cáo bạch rằng điều này chủ yếu là do sự thay đổi dần dần của chiến lược tiếp thị trước đó và do ảnh hưởng của dịch bệnh. Khi các nhà cung cấp khác không thể cung cấp trái cây kịp thời, nguồn cung “từ đầu đến cuối” của công ty mô hình chuỗi đảm bảo cung cấp trái cây ổn định. Theo mô hình này, Công ty Hoa quả Hồng Cửu tiến hành thu hoạch trực tiếp từ nguồn trồng. Hiện đã thành lập đội ngũ gần 400 nhân viên địa phương tại Thái Lan và Việt Nam, đồng thời thành lập nhà máy gia công để đạt tiêu chuẩn từ gốc.

Hồng Cửu có 16 nhà máy chế biến trái cây ở Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng được hưởng lợi từ các kênh bán lẻ mới đang phát triển nhanh chóng. Năm 2021, doanh thu của các kênh bán lẻ mới nổi là 2,133 tỷ tệ. Năm 2019, con số này là 471 triệu tệ, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 112,81%. Kênh này được chia nhỏ thành 4 hướng chính: mua theo nhóm cộng đồng, chuỗi cửa hàng thực phẩm tươi tại cộng đồng, thương mại điện tử tức thì và thương mại điện tử tổng hợp. Trong đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động mua theo nhóm cộng đồng đã khiến tăng doanh thu từ 271.000 tệ trong 2019 lên 544 triệu tệ vào năm 2021. Doanh thu đã tăng hơn 2.000 lần trong hai năm.

Nhưng điều không thể không nhắc đến là, ngay cả với tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh chóng, chuỗi vốn của Hồng Cửu vẫn tương đối eo hẹp và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm. Từ 2019 đến 2021 và 5 tháng đầu 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty lần lượt là -450 triệu, -804 triệu, -982 triệu và -801 triệu. Áp lực vốn kéo theo áp lực nợ nhiều hơn. Trong số các khoản nợ ngắn hạn của công ty, số tiền vay ngân hàng và các khoản vay khác đã tăng gấp đôi. Trong kỳ báo cáo, các khoản vay ngân hàng và các khoản vay khác tương ứng là 1 triệu tệ, 67 triệu tệ, 875 triệu tệ và 1,576 tỷ tệ.

Trước đó, việc IPO của Công ty Hoa quả Hồng Cửu đã không thành công 3 lần. Năm 2013, Hồng Cửu được niêm yết trên thị trường OTC tại Trung tâm Chuyển nhượng cổ phiếu Trùng Khánh. Trong giai đoạn 2014-2015, Hồng Cửu đã tích cực cố gắng thúc đẩy việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2019, công ty đã ký một thỏa thuận tư vấn niêm yết với Chứng khoán Đông Hưng, cố gắng gia nhập thị trường cổ phiếu A; tháng 10/2021 Hồng Cửu đã đệ trình bản cáo bạch lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, nhưng tất cả đều thất bại.

Sau nhiều lần giằng co, phải đến khi bản cáo bạch được đệ trình lại vào tháng 5/2022, phiên điều trần đã được thông qua vào tháng 7 và Công ty Hoa quả Hồng Cửu chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Các “vua” hoa quả sẽ lần lượt IPO

“Nam Bách Quả, tây Hồng Cửu, bắc Tiên Phong”, nay Công ty Hoa quả Hồng Cửu đã cầm ngọn cờ “Cổ phiếu hoa quả đầu tiên”, hai anh hào kia cũng đang chuẩn bị. Vào tháng 5 năm nay, chỉ ba ngày sau khi Hồng Cửu gửi đơn, Bách Quả Viên cũng đã nộp một bản cáo bạch cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông.
Trung Quốc là nước tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới. Dữ liệu cho thấy quy mô thị trường bán lẻ trái cây tươi của Trung Quốc năm 2021 đã tăng lên 1,34 nghìn tỷ CNY và trong 5 năm tới, sẽ tăng lên 2000 tỉ CNY. Liệu các nhà cung cấp có tranh thủ nắm bắt được cơ hội?

Mời các bạn theo dõi kỳ 1 tại đường link: https://sinhthainongnghiep.net.vn/cong-ty-hoa-qua-hong-cuu-trung-quoc-phat-hanh-lan-dau-ra-cong-chung-ky-1/

Chử Cường (theo “Giới đầu tư”)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây