Đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt 3 – 5% diện tích tự nhiên

STNN – Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Vườn quốc gia Tràm Chim.

Cụ thể, ban hành kèm theo Quyết định này Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Quyết định đưa ra lộ trình cụ thể, cơ quan chủ trì để thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 với 117 chỉ tiêu, như:

  • Đến năm 2030, tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 60%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng hơn 2,5 – 3 lần so với năm 2020; tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người 7.500 USD; trị giá hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng bình quân 5 – 6%/năm giai đoạn 2026 – 2030…
  • Đến năm 2030, bảo đảm sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững và áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các thảm họa khác và dần dần cải tạo chất lượng đất đai. Diện tích canh tác hoa màu (lúa, rau, quả, cà phê, chè) được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) hoặc tương đương, duy trì mức tăng 10- 15% hàng năm; Diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) hoặc tương đương duy trì mức tăng 8% hàng năm.
  • Đến năm 2030, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước. Số lượng khu Ramsar được thành lập và công nhận 13 khu (đến năm 2025) và 15 khu (đến năm 2030). Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người…
  • Đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn biển và ven biển đạt 3 – 5% diện tích tự nhiên, dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế. Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững: Đến năm 2030, ngăn ngừa, giảm đáng kể và kiểm soát được các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là từ các hoạt động trên đất liền, chú ý tới các chất thải rắn, nước thải và ô nhiễm chất hữu cơ.

Các cơ quan được giao chủ trì thực hiện các chỉ tiêu chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai các hoạt động nhằm đạt được lộ trình đến năm 2025 và 2030; theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện chỉ tiêu gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo quy định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho công tác giám sát, đánh giá kết quả thực hiện đối với từng chỉ tiêu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa các chỉ tiêu phát triển bền vững có khả năng đạt được vào Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan rà soát, bổ sung, cập nhật Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam để phù hợp với Lộ trình cập nhật được ban hành và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trong việc triển khai thực hiện Lộ trình và không cần ban hành Lộ trình cho địa phương mình.

Quyết định số 841/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 14/7/2023 và thay thế Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 4/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Hoàng Giáp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây