Du lịch gắn với phát triển nông thôn mới tại tỉnh Quảng Ninh

STNN – Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị là chương trình mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đến năm 2025 tại Quảng Ninh không chỉ là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, mà còn là tạo ra một môi trường sống và làm việc thuận lợi cho phát triển du lịch.

Làng chài Vung Viêng.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra một số giải pháp quan trọng.

Tỉnh tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ và 6 giải pháp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung 8 nhóm giải pháp chính theo Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025″. Trong đó, chú trọng các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường du lịch.

Trước hết, cơ chế chính sách đã được điều chỉnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Tỉnh cần xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, phân phối sản phẩm du lịch, xây dựng chương trình phát triển du lịch canh nông gắn với xây dựng nền nông nghiệp bền vững và nông thôn mới.

Phát triển du lịch cộng đồng là bước đầu tiên hiện thực hóa khâu đột phá về xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh. Xây dựng các đề án, dự án phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, trong đó đặc biệt chú trọng, ưu tiên cho các dự án kết nối giao thông giữa điểm du lịch cộng đồng với các tuyến giao thông chính theo hướng tính toán căn cơ về quy mô, mức đầu tư đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Quy hoạch, đầu tư cơ sở lưu trú phù hợp với bản sắc văn hóa, tự nhiên của từng địa phương. Xây dựng Danh mục các dự án đầu tư phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Quảng Ninh. Xây dựng các trung tâm khám phá trải nghiệm bản sắc văn hóa, các khu trò chơi dân gian, các điểm mua sắm sản vật địa phương… Ưu tiên ngân sách hàng năm của tỉnh cho các dự án du lịch cộng đồng cùng các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch.

Tỉnh Quảng Ninh cần tập trung xây dựng một số mô hình sản phẩm du lịch cộng đồng mẫu làm cơ sở để nhân rộng ra toàn tỉnh: mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số và cảnh quan tự nhiên; mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa nông nghiệp, nông thôn; mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa biển. Phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô đúng với các quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; phù hợp với tổng thể phát triển sản phẩm du lịch chung của tỉnh Quảng Ninh.

Các sản phẩm du lịch biển, đảo vịnh Hạ Long vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô phải dựa trên nguyên tắc kết hợp giữa thiên nhiên, văn hóa, con người và xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 để hình thành nên chuỗi các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh; hướng tới đáp ứng các thị trường du lịch cao cấp.

Du lịch sinh thái Hoành Bồ.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh cần nâng cao nhận thức du lịch cộng đồng thông qua các hoạt động tuyên truyền, các khóa học nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng: Tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về văn hóa các dân tộc, giá trị văn hóa…; các khóa học bồi dưỡng kiến thức về môi trường, sinh thái và bảo vệ môi trường, các buổi trao đổi, chia sẻ kiến thức về tệ nạn và trật tự xã hội; đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy cho cộng đồng dân cư địa phương; củng cố về luật pháp cho cộng đồng dân cư địa phương; phát triển nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương, sàng lọc, đào tạo và đào tạo lại nhân lực, có chính sách bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ứng xử văn minh trong du lịch.

Hơn nữa, xúc tiến quảng bá là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút du khách đến Quảng Ninh. Xây dựng chiến lược, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh, phát triển hình ảnh điểm đến du lịch gắn với du lịch cộng đồng cho một số địa phương có điều kiện phù hợp. Sử dụng các kênh truyền thông hiện đại, phù hợp với xu hướng thị trường như tích cực quảng bá các điểm đến du lịch trên fanpage, website về du lịch tỉnh, qua đài phát thanh, video…

Bảo vệ môi trường du lịch là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự bền vững của ngành du lịch. Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như quản lý rừng bền vững, giảm ô nhiễm môi trường và tăng cường công tác giáo dục và nhận thức về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm; mở rộng các loại hình trang trại thiên nhiên, trang trại hữu cơ, trang trại chuyên đề. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đến cộng đồng và khách du lịch về tài nguyên môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch và các điểm du lịch.

Việc phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Quảng Ninh là một hướng đi đúng đắn và tiềm năng. Qua các giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá và bảo vệ môi trường du lịch, tỉnh Quảng Ninh đang tạo ra một môi trường thuận lợi và bền vững cho phát triển du lịch. Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn nhất định; vì vậy, xây dựng đa dạng các hoạt động du lịch là mục tiêu nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM, đảm bảo sự phát triển bền vững trong cộng đồng dân cư.

Nguyên Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây