Dương Kiện, “minh tinh” khởi nghiệp – khi hạt gạo được nâng cánh bởi công nghệ (kỳ 1)

STNN – “Ngôi sao” khởi nghiệp thời sinh viên, Tiến sĩ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Tổng Giám đốc doanh nghiệp nhà nước, giảng viên đại học, Tổng Biên tập tạp chí… đây là những chức danh mà Dương Kiện đã trải qua trong hơn 20 năm qua. Bây giờ, anh ấy có một sự nghiệp mới: bán gạo.

Dương Kiện năm nay 40 tuổi, sinh ra ở Duy Phường, Sơn Đông (Trung Quốc), năm 2000 anh thi đỗ Đại học Hàng hải Đại Liên. Khi đó, Internet mới xuất hiện, với niềm yêu thích máy tính, anh đã tự học các kỹ thuật lập trình. Anh là người đầu tiên nghiên cứu phát triển thành công hệ thống quản lý thông tin của công ty luật, trở thành một triệu phú sinh viên đại học nổi tiếng một thời.

Dương bước đầu khởi nghiệp thành công, nhưng anh không dừng lại. Từ đây, anh đi nhiều nơi, từng xin việc, đi làm, rồi tiếp tục học tập, nhưng anh vẫn cảm thấy chỉ có khởi nghiệp mới phù hợp với mình. Năm 2014, sau khi lấy bằng tiến sĩ, Dương quyết định lại khởi nghiệp.

Cơ hội tới một cách ngẫu nhiên, anh gặp được người hợp tác sau này của mình. “Anh bạn tôi bán gạo, loại gạo Ngũ Thường ở quê có chất lượng tốt nhưng không bán được giá cao nên anh ấy rất buồn phiền. Tôi xách một túi gạo về nhà và nấu thử, cả nhà tràn ngập hương thơm, trong thoáng chốc khiến tôi lóe lên một ý tưởng.” – Dương nói. “Tôi không nghĩ gì khác, ngoài việc làm thế nào để hạt gạo ngon như thế này đến được với nhiều người tiêu dùng hơn và nhất định chúng tôi phải làm điều này!”. Nghĩ là làm, Dương Kiện thành lập Công ty TNHH Công nghệ gạo Đại Liên.

Vào thời điểm đó, gạo Ngũ Thường giả tràn lan trên thị trường, sản lượng gạo này hàng năm chưa đến 1 triệu tấn nhưng lưu thông trên thị trường tới… 10 triệu tấn. Để thay đổi hiện trạng này, anh kiên trì bán hàng thật, và cũng giống như 10 năm trước, lần này anh lại lên con tàu cao tốc thương mại điện tử và trở thành lớp “nông dân mới” – người đầu tiên đưa gạo lên trang thương mại điện tử. Mô hình mới này không những không có trung gian để “đội” giá, mà còn có thể đảm bảo chất lượng gạo, truy xuất được nguồn gốc.

Sau khi có học vị Tiến sĩ, phương hướng nghiên cứu chính của Dương là về kinh tế và quản lý công nghệ dữ liệu lớn. Anh bắt đầu suy nghĩ, làm thế nào để kết hợp chặt chẽ giữa gạo và khoa học kỹ thuật. “Khi đó, tôi muốn tạo ra loại thùng gạo thông minh có thể giám sát được chất lượng gạo, đồng thời tính toán được lúc nào khách hàng hết gạo để kịp thời giao cho họ” – Dương chia sẻ.

Với ý tưởng này, Dương đã lãnh đạo nhóm liên tục phát triển, thử nghiệm, nâng cấp và hoàn thiện. Sau 8 mẫu thiết kế và ứng dụng thử, cuối cùng thùng gạo thông minh Idami đã được ra mắt. Theo anh, sản phẩm này có thể chống ẩm mốc, côn trùng, căn cứ theo số người để định ra lượng gạo. Máy cảm biến được lắp bên trong để đo nhiệt độ, độ ẩm của gạo, lại có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm tra tình trạng gạo, tính lượng gạo còn lại, khách hàng chỉ cần nhấn nút “mua”, hàng sẽ được giao đến tận nhà.

Từ việc bán gạo ban đầu, đến việc tiên phong trong mô hình “Internet vạn vật + Bán nông sản”, trong 2 năm, nhóm của Dương đã đạt được hơn 100 bằng sáng chế quốc gia trong lĩnh vực thiết bị nhà bếp thông minh, như: thùng gạo thông minh, nồi cơm điện thông minh… Ở chuyên mục “Tụ hội những anh hùng khởi nghiệp” của Đài Truyền hình TW Trung Quốc, dự án công nghệ lúa gạo của anh cũng giành trọn vẹn nút bấm “đồng ý” của 12 nhà đầu tư có mặt.
(Còn nữa)

Lê Thúy (TH)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây