Google Doodle hôm nay 29/2: Chú ếch vui vẻ

STNN – Vào ngày nhuận năm 2024, Google Doodle là hình một chú ếch vui vẻ nhảy lên, đánh dấu ngày 29/2 diễn ra 4 năm một lần.

Google Doodle hôm nay 29/2: Chú ếch vui vẻ
Google Doodle kỷ niệm ngày nhuận năm 2024 – Ảnh chụp màn hình.

Để chào mừng ngày nhuận năm 2024, Doodle ngày 29/2 mô tả số 29 ở giữa logo Google. Chữ số này nằm giữa số 28 và số 1 tượng trưng cho ngày nhuận trong tháng 2 (vốn có 28 ngày).

Ngày nhuận xảy ra trong những năm là bội số của 4 hoặc có thể chia hết cho 400. Ngày 29/2 được thêm vào hầu hết các năm chia hết cho 4, như 2024, 2028 và 2032.

Năm 2024 có thêm một ngày vào tháng 2, nâng lịch từ 365 ngày trong một năm thông thường lên 366. Ngày thêm này là “ngày nhuận”.

Ngày nhuận xảy ra khi Trái đất quay quanh Mặt trời lâu hơn khoảng 6 giờ so với một năm tiêu chuẩn có 365 ngày.

Để giải thích cho sự khác biệt này, ngày nhuận được thêm vào lịch dương vốn là tiêu chuẩn ở hầu hết các nơi trên thế giới. Ngược lại, lịch âm, dựa trên chu kỳ của Mặt trăng, có thể thêm tháng nhuận. Việc bổ sung ngày nhuận 4 năm một lần giúp đồng bộ lịch với quỹ đạo Trái đất.

Ý nghĩa của ngày 29/02

Theo lịch Gregorius, loại lịch tiêu chuẩn hiện nay được dùng trên hầu khắp thế giới, để quay hết một vòng xung quanh mặt trời, Trái đất mất khoảng 365,25 ngày. Theo quy ước một năm có 365 ngày, như vậy mỗi năm sẽ thừa ra 0,25 ngày tức 6h, 4 năm sẽ dư ra một ngày hay 24h và một thế kỷ (100 năm) sẽ dư ra gần một tháng.

Để tránh những sai sót này, các nhà làm lịch đã quy ước cứ 4 năm thêm 1 ngày vào tháng 2 dương lịch. Ngày đó được gọi là ngày nhuận và những năm có ngày nhuận tháng 2 thì được gọi là năm nhuận dương lịch.

Tính theo lịch âm, một tháng có 29,53 ngày nên một năm âm lịch sẽ làm tròn là 354 ngày, ít hơn dương lịch 11 ngày. Vậy 3 năm sẽ ít hơn 33 ngày, thời gian này sẽ tích lũy thành một tháng. Vì vậy, sau 3 năm tính theo âm lịch ta sẽ có một tháng dư, tháng dư được thêm vào năm nhuận được gọi là tháng nhuận, để năm âm lịch và dương lịch không lệch nhau nhiều.

Cách tính năm nhuận rất đơn giản. Theo lịch dương, cứ 4 năm sẽ có 1 ngày nhuận vậy lấy số năm chia hết cho 4 nếu không dư thì năm đó là năm nhuận.

Đối với cách tính của lịch âm, theo tính toán của người xưa, cứ trong vòng 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận. Với cách tính này sẽ có dư ra 7 tháng nhuận, được đặt vào các năm thứ 3, 6, 9 hoặc 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm.

Vì vậy, muốn tính năm nhuận ta chỉ cần lấy năm Dương lịch chia cho 19, nếu chia hết hoặc cho ra các số dư 3, 6, 9, 11, 14, 17 thì năm âm lịch đó sẽ có tháng nhuận.

Bảo Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây