Hội tụ tinh hoa di sản văn hoá phi vật thể trên vùng Đất Tổ

STNN – Tối nay, 21/4, tại Quảng trường Hùng Vương, Việt Trì, Phú Thọ, sẽ diễn ra Lễ khai mạc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023, Lễ kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.

Đờn ca tài tử Phương Nam – Nguồn: mocst.gov.vn.

Sự trao truyền thế hệ, gìn giữ di sản, bản sắc dân tộc

Chương trình Lễ hội Đền Hùng năm nay được tổ chức với điểm nhấn là lễ khai mạc diễn ra tối ngày 21/4. Đêm khai mạc sẽ lồng ghép nhiều ý tưởng, nội dung, vừa tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đã được UNESCO ghi danh, vừa ca ngợi công ơn Vua Hùng, các tiền nhân đã góp phần dựng nước, giữ nước, ca ngợi Tổ quốc.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội – Đất Tổ Hùng Vương” có sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp thuộc các đơn vị nghệ thuật Trung ương và các địa phương cùng lực lượng học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học trên địa bàn thành phố Việt Trì. Chương trình cũng có sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi Trọng Tấn, Anh Thơ, Ngọc Ký, Ngọc Liên, NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Ngọc Bích, NSƯT Dịu Hương, Nghệ nhân Văn Tuấn, Khánh Hồng, Nghệ nhân dân gian Phạm Hải Hưng…

Chương trình có tổng thời lượng 90 phút (gồm cả phần lễ), gồm 3 phần: Linh thiêng nguồn cội – Đất tổ Hùng Vương (Phần I), Tinh hoa di sản (Phần II), Khát vọng Lạc Hồng (Phần III).

“…Nhắc đến vùng đất Tổ Phú Thọ là nhắc đến hai di sản văn hoá phi vật thể này. Chương trình có màn trình diễn ấn tượng của 100 nghệ nhân hát Xoan và 200 em học sinh tiểu học là con cháu của các nghệ nhân 4 phường Xoan của Phú Thọ cho thấy ở địa phương luôn có sự trao truyền thế hệ, gìn giữ di sản, bản sắc dân tộc.” – Tổng đạo diễn Lê Thế Song chia sẻ.

Di sản văn hóa Việt Nam thống nhất trong sự đa dạng

Ngoài các phần hợp diễn về múa, nhạc, các ca khúc ca ngợi Đất Tổ Hùng Vương, ca ngợi Tổ quốc, điểm đặc biệt là màn trình diễn của 12 di sản của Việt Nam. Chương trình sẽ được kết cấu khéo léo đặc biệt là hình thức biểu diễn các di sản văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, niềm tự hào của người dân Việt đã được UNESCO ghi danh đó là: Hát then, Ca trù, nghệ thuật Xòe Thái, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Dân ca Ví – Giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghệ thuật Bài chòi, Đờn ca tài tử, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên…

Nghệ thuật Bài chòi – Nguồn: mocst.gov.vn.

Các hình thức di sản được trình diễn xuyên suốt liên tục trên sân khấu qua sự dàn dựng của ê kíp sáng tạo, bằng thiết kế của nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh, phối khí… hứa hẹn mang lại nhiều hiệu ứng làm tôn vinh các vùng, miền di sản nổi tiếng. Khán giả sẽ cảm nhận được giá trị của di sản gốc một cách tốt nhất, từ đó thêm tình yêu, niềm tự hào về những giá trị văn hóa đã được cha ông ta dựng xây, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Công chúng sẽ được thưởng thức thực hành di sản bằng các thể điệu của di sản gốc do 400 nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ trình diễn. Chương trình huy động hàng ngàn người, gồm từ các diễn viên, nghệ sĩ nghệ nhân dân gian cho tới đồng bào các dân tộc, các tầng lớp nhân dân tham gia.

Gia Khánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây