Kon Tum: Vai trò của OCOP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Bằng những nỗ lực không ngừng, Chương trình OCOP ở Kon Tum đã và đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh, nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương và gặt hái được những kết quả tích cực, góp phần đưa chương trình trở thành trọng tâm trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đi vào chiều sâu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia vào ngày 30/06/2021, tỉnh Kon Tum có 1 sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao là sản phẩm Cà phê rang xay DAKMARK Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Đại diện Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng Kon Tum cho biết, Đăk Hà là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất của tỉnh Kon Tum với nhiều sản phẩm cà phê chế biến sâu được người tiêu dùng và chuyên gia đánh giá cao. Nhờ sự vận động, tham gia tích cực của hệ thống chính trị, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và sự cố gắng, nỗ lực của đơn vị, sản phẩm cà phê rang xay DAKMARK đã và đang được nhiều người tiêu dùng biết đến, khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm. Sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và khu vực năm 2018. Đây là dòng sản phẩm được doanh nghiệp này đưa vào chế biến và tiêu thụ ở thị trường trong nước từ năm 2014, bắt đầu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Singapore từ năm 2018.

Chương trình OCOP giúp cho doanh nghiệp đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối và tiêu thụ phục vụ người dân cả nước và từng bước hướng tới thị trường nước ngoài, tham gia các hội nghị triển lãm giới thiệu các sản phẩm OCOP trên toàn quốc. Tham gia hoạt động trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, liên kết tiêu thụ và bán sản phẩm OCOP trên hệ thống các sàn thương mại điện tử khác, tổ chức ngày hội triển lãm trực tuyến sản phẩm OCOP, các sản phẩm OCOP được hỗ trợ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại nhiều tỉnh trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên theo Biên bản ghi nhớ đã được ký kết bởi Sở Công Thương tỉnh Kon Tum với Sở Công Thương các tỉnh trong khu vực.

Trong thời gian qua, doanh nghiệp không chỉ đơn thuần sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành tiêu chí OCOP của tỉnh mà còn tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, nhờ đó không ít gia đình trên địa bàn ổn định cuộc sống, góp phần vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đơn vị đã chú trọng xây dựng nguồn nguyên liệu đảm bảo từ khâu chăm sóc, chế biến chuyên sâu, phơi, sơ chế; đồng thời, phối hợp với các hợp tác xã trên địa bàn để xây dựng vùng nguyên liệu rộng 1.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Đăk Hà – khu vực phù hợp về khí hậu và thổ nhưỡng cho cây cà phê. Hiện doanh nghiệp đã nhận được nhiều chứng nhận tiêu chuẩn như chứng nhận Thương mại công bằng, 4C, UTZ hay RFA.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu bị hạn chế, doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Việc được chứng nhận OCOP giúp công ty quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng tốt hơn. Hiện các dòng sản phẩm Dak Mark đã có mặt tại hệ thống siêu thị như Big C, Lotte, Aeon, hệ thống showroom tại các thành phố lớn như Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng, TP.HCM.

Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, được hỗ trợ từ nguồn kinh phí từ trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại của tỉnh, trong những năm qua, công ty đã tham gia các Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, các buổi xúc tiến thương mại được tổ chức tại Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… Thông qua hội chợ đã góp phần tích cực trong việc quảng bá sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó giúp công ty tìm kiếm đối tác trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Theo Mard.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây