Năng lực tưới hiện mới đáp ứng được 40% nhu cầu

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi sớm hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương khi xây trạm bơm sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Sáng 9/7, tại trụ sở Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy lợi tổ chức Hội thảo Giải pháp khoa học công nghệ về bơm trong công trình thủy lợi. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh chủ trì phiên họp.
Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, Bộ NN-PTNT đã sớm giao cho Tổng cục và Cục Quản lý xây dựng công trình vận hành, giám sát và quản lý các trạm bơm sao cho đạt hiệu quả tối ưu nhất so với công suất thiết kế.
“Chúng ta cần thống nhất những nguyên tắc căn bản, chẳng hạn ưu tiên làm trạm bơm nổi thay vì làm chìm. Đó là cơ sở để đưa ra công suất thiết kế phù hợp với thực tế”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh cho biết.
Theo Viện Bơm và và Thiết bị Thuỷ lợi, khu vực đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ đang gặp khó khăn chính vào mùa kiệt, khi mực nước xuống thấp. Hầu hết bể hút các trạm bơm ven sông đều trơ đáy, không hoạt động. Khu vực trung du miền núi còn hai tồn tại kỹ thuật liên quan đến dao động mực nước bể hút giữa mùa cạn và mùa mưa là: Chiều cao hút của bơm khá lớn, có nơi tới 8-15 mét. Chiều dài ống hút từ máy bơm đến cửa lấy nước ở ngoài xa dòng sông khi cạn kiệt tăng thêm 50-100 mét.
Một số công nghệ bơm đã được thử nghiệm và sử dụng cho vùng cao, như: Bơm va có thể đưa nước lên độ cao 16-70 mét so với vị trí đặt bơm. Bơm thủy luân không cần điện lưới hay máy nổ, máy phát. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những công nghệ này chưa được phổ cập rộng rãi.

GS.TS. Dương Thanh Lượng, Đại học Thủy Lợi tham luận về vấn đề thiết kế và xây dựng trạm bơm. Ảnh: Bảo Thắng.

Hướng tới những giải pháp công nghệ bền vững, GS.TS. Dương Thanh Lượng, Đại học Thủy Lợi nêu 5 thông số cơ bản khi thiết kế trạm bơm là: lưu lượng đặc trưng, mực nước đặc trưng, cột nước địa hình đặc trưng, cột nước tổn thất đường ống và cột nước bơm yêu cầu, các cột nước bơm đặc trưng. Ông Lượng cũng cho rằng, số tổ máy lắp trong các trạm bơm nên từ 2-8 máy, tối ưu là 3-5 máy.
Một số kiểu lắp máy điển hình trong nhà máy bơm buồng ướt, nhà máy bơm buồng xoắn bê tông, nhà máy bơm lắp máy chìm cũng được GS.TS. Dương Thanh Lượng giới thiệu. Ông cũng nhấn mạnh, cần quan tâm xử lý những yếu tố bên ngoài như bể hút và kênh hút, bể xả và kênh xả, xử lý nền, thông gió, mực nướt bể hút nhỏ nhất khi tính toán lắp đặt máy.
“Để lấy nước chủ động trong mọi thời gian và mọi tình huống, chúng ta cần những giải pháp căn cơ. Ví dụ như cụm đầu mối Xuân Quan. Kiểu trạm bơm này sử dụng loại máy bơm phù hợp, như bơm chìm cột nước thấp hoặc bơm rút trục đứng cột nước thấp… tùy điều kiện, cùng các cửa van có kết cấu đóng mở tương thích. Thiết kế như vậy giúp trạm bơm không phải xả nước gia tăng từ các hồ thủy điện thượng nguồn, tăng thêm mực nước cho hệ thống kênh nội đồng”, ông Lượng cho biết.
Ông Nguyễn Đức Cách, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế tạo bơm Hải Dương (HAPUMA) nêu đề xuất về ứng dụng hiệu quả máy bơm. Trong đó, ông nhấn mạnh tới việc lựa chọn máy bơm, thông số kỹ thuật và loại hình trạm bơm phù hợp cho từng địa hình, mục đích và môi chất bơm.
“Với các vùng cột áp thấp, có thể sử dụng bơm trục đứng cột áp thấp, truyền động hộp số, bơm thuyền di động hoặc bơm chìm cánh cống. Với các dự án cấp nước đi xa và lên cao, phục vụ tưới cây công nghiệp, có thể sử dụng bơm ly tâm hút hai phía trạm cố định hoặc trạm bơm phao. Với các dự án phục vụ phòng chống lũ lụt, tiêu thoát nước đô thị, có thể sử dụng bơm buồng xoắn bê tông”, ông Cách nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ NN-PTNT Nguyễn Tất Đại. Ảnh: Bảo Thắng.

Góp ý tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ NN-PTNT Nguyễn Tất Đại cho biết, dư địa phát triển trạm bơm còn rất lớn bởi năng lực tưới hiện mới đáp ứng được 40% nhu cầu. “Các nhà khoa học cần nghiên cứu công nghệ bơm có thể thích ứng với nhiều vùng địa hình, thay vì dựa nhiều vào cách truyền thống thông qua hệ thống tự chảy bằng các hồ, kênh dẫn”, ông Đại nói.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Tổng cục Thủy lợi hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương trong việc xây dựng các trạm bơm, nhấn mạnh vào yếu tố kỹ thuật, và phù hợp địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, Tổng cục cần xem xét thiết kế trạm bơm có thể sử dụng đa mục đích, vừa phục vụ sinh hoạt, vừa tiêu thoát ở đô thị, vừa hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
“Có nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay, như các trạm bơm lớn chủ yếu là tiêu, còn các trạm nhỏ lại là tưới; hoặc 65% máy bơm giờ là loại trục ngang, còn lại là trục đứng. Chúng ta phải giải nhiều bài toán cùng lúc, và cần đề ra những giải pháp cụ thể. Ngoài ra, Tổng cục Thủy lợi cần chú trọng nghiên cứu công nghệ mới, đặc biệt là việc sửa chữa, nâng cấp những trạm bơm hiện có”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Về ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành trạm bơm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Tổng cục Thủy lợi đưa ra những quy chuẩn trong thiết kế.
“Phải có bộ tiêu chuẩn cơ sở, kiểu như với địa hình này, yêu cầu này, chúng ta sẽ có giải pháp này, thay vì loay hoay nghiên cứu tất cả từ đầu. Chúng ta không thể làm chung chung, mà cần định mức, định lượng cụ thể, chi tiết”, Thứ trưởng khẳng định.

(Nguồn: nongnghiep.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây