Nghề hot: Vẽ chân dung truyền thần cho thú cưng

STNN – Cùng với nghề tạo hình thú cưng đã mất như thật bằng len, nỉ, đây cũng là một nghề mới trong “nền kinh tế thú cưng”: mang chân dung thú cưng vào tranh.

Bức truyền thần thú cưng "Taotao đã tới hành tinh của những chú chó"
Bức truyền thần thú cưng “Taotao đã tới hành tinh của những chú chó”

Truyền thần lại những “người mẫu” thú cưng thật

Cô Han là quản lý đồng thời cũng là họa sĩ của studio “Truyền thần thú cưng AHY”. Cô nói: “Tôi học chuyên ngành truyền thông hình ảnh, tốt nghiệp vào tháng 7 năm ngoái. Những hình minh họa và bản vẽ thiết kế… mà tôi tiếp xúc từ khi đi làm đều mang tính thương mại, không mang phong cách và thương hiệu cá nhân của tôi”. Tình cờ, cô tiếp xúc với ngành công nghiệp thú cưng, “Tôi thích động vật, thích hội họa. Nghề vẽ truyền thần cho thú cưng có thể phát huy hết phong cách và cá tính riêng của tôi”.

Sau hơn nửa năm nghiên cứu thị trường và chuẩn bị, tháng 2 năm nay, xưởng vẽ của cô Han đã đi vào hoạt động và đi đúng hướng. “Mỗi bức truyền thần thú cưng giá khoảng 200 tệ, đơn đặt hàng đã sang tới năm 2024. ‘Người mẫu’ thú cưng của xưởng bao gồm mèo, chó và các loại thú cưng khác, như thằn lằn chẳng hạn…”

“Hơn 90% khách hàng của chúng tôi là các bạn nữ, thường ở độ tuổi 20-35. Chủ nhân của những thú cưng này muốn lưu giữ những kỷ niệm về “đứa con lông” của mình. Người ta nói rằng, con người cho thú cưng một cuộc sống ổn định, nhưng nếu bạn nghĩ kỹ lại, đây không phải là sự cho – nhận hai chiều sao?”

Cô Han nhớ lại: Có một con chó Schnauzer (một giống chó có nguồn gốc từ Đức từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16 – ND) tên là Taotao, mỗi lần thấy chủ nhân ăn socola là nó lại thè lưỡi liếm mép thèm thuồng. Nhưng chó thì không thể ăn socola, vì vậy, người chủ dùng thanh nhai cho cún mớm cho nó ăn để nó thỏa mãn cơn thèm. Rồi chú cún già đi, xương yếu, bệnh tật khiến nó không thể đứng vững nữa. Khi chia tay, chủ nhân đút một miếng socola vào miệng nó, hy vọng những phút giây cuối cùng nó có thể hạnh phúc và ngọt ngào đến với “hành tinh của những chú chó”.

“Chủ nhân của Taotao đã yêu cầu chúng tôi vẽ các chi tiết như socola, món tráng miệng và thanh nhai cho cún vào bức tranh” để khi nhìn thấy bức tranh, câu chuyện của Taotao sẽ được tái hiện lại. “Đây là ‘món quà’ tôi có thể tặng cho Taotao và chủ nhân của nó. Tôi tin rằng, những bạn nhỏ này sẽ luôn sống trong lòng chủ nhân, chỉ là họ đã thay đổi phương thức bầu bạn mà thôi.” – Han chia sẻ.

Nói về những dự định trong tương lai, cô cho biết, sẽ tiếp tục nâng cao kỹ năng vẽ của mình, đồng thời cũng hy vọng việc vẽ cho thú cưng sẽ ngày càng đa dạng hơn, những cảm xúc và giá trị có thể trao gửi sẽ ngày càng nhiều hơn, các hình thức tiêu dùng và kịch bản tiêu dùng sẽ ngày càng phong phú hơn.

Trăn trở về quy định và tiêu chuẩn ngành nghề

Nhiều ngành nghề mới nổi lên trong nền kinh tế thú cưng tại Trung Quốc dẫn đến các vấn đề về quy mô, yêu cầu và tiêu chuẩn chất lượng của ngành.

Qua tìm hiểu thực tế, phóng viên của Tin tức Sao Đỏ đã phát hiện ra rằng, hiện tượng vi phạm bản quyền tồn tại trong ngành tạo hình thú cưng từ len nỉ và vẽ truyền thần cho thú cưng. Chưa kể, khó khăn và áp lực còn đến từ công nghệ sử dụng AI để tổng hợp ảnh hoặc từ việc lấy cắp tác phẩm của người khác, lừa gạt tiền đặt cọc của khách rồi khóa/chặn liên lạc; hoặc một số kẻ dùng “miếng mồi” lợi nhuận cao để dụ dỗ học viên đóng tiền các khóa học nhưng không giảng dạy…

“Có rất nhiều người ăn cắp tranh của người khác, thậm chí có người không biết gì về cách dùng len, nỉ để tạo hình thú cưng. Họ dùng tranh AI hoặc tranh ăn cắp để lừa tiền đặt cọc của khách hàng” – Da Hua nói, “bởi những tác phẩm thủ công của chúng tôi làm theo yêu cầu rất đặc biệt, đây là dịch vụ ‘độc bản’, vì vậy các nhà chế tác sẽ tính phí đặt cọc của khách hàng từ 40% – 60%”. Nhận định này cũng được nhiều nhà chế tác ở các tỉnh đồng tình, thậm chí, họ còn gửi một vài hình ảnh độc quyền của mình, cho phóng viên.

Thậm chí, một số tài khoản tiếp thị đã phóng đại thu nhập của ngành, chẳng hạn như “một đơn hàng có thể kiếm được hàng nghìn nhân dân tệ, chỉ cần học trong 3 ngày sau đó sẽ kiếm được cả chục nghìn nhân dân tệ mỗi tuần”. Nhiều người làm nghề cảm thấy bất lực: “Đây là quảng cáo gian lận để ép học phí, không có kỹ năng nào mà một người không có căn bản có thể học được trong 3 ngày. Làm thủ công là việc cần được thực hiện một cách bình tĩnh, tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều thời gian và cả chi phí”.

Cô Han nói rằng, cô cũng từng gặp phải trường hợp tương tự: một trong những tác phẩm của cô đã bị một nền tảng bán quần áo đánh cắp. Cô đã liên hệ với nền tảng bán quần áo đó, nhưng bên kia từ chối. “Tôi nhờ luật sư tư vấn, tuy nhiên thật khó thu thập chứng cứ, việc  bảo vệ quyền lợi sẽ phiền phức, tốn thời gian, tôi không có nhiều thời gian, cuối cùng chuyện này sẽ lại ngủ yên”.

Về vấn đề này, nhiều người trong ngành cho rằng, một thực tế không thể chối cãi là đường đua mới và ngành công nghiệp mới… thiếu sự giám sát và tiêu chuẩn của ngành”. Bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ vốn hóa, việc thay đổi tình trạng thiếu vắng các cơ quan quản lý cũng là điều cấp thiết. Nếu có quy định rõ ràng để tuân theo, ngành công nghiệp thú cưng có thể sẽ mở ra một bầu không khí mới. “Hy vọng một Hiệp hội ngành nghề được thành lập, đưa ra những chính sách ứng phó, để tiến tới hoàn thiện và sửa đổi”. Đồng thời, những người trong ngành đề nghị, người tiêu dùng cũng nên có ý thức nuôi thú cưng khoa học, tiêu dùng hợp lý, đồng thời lưu giữ hợp lý các bằng chứng liên quan như chứng từ tiêu dùng…, phòng trường hợp xảy ra tranh chấp, để sau này có cơ sở bảo vệ quyền lợi.

Chử Cường (TH theo Tin tức Sao Đỏ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây