Startup làm túi polymer tan trong nước nhận được đầu tư gần 1 triệu USD

STNN – Dự án PVA Pro sản xuất túi polymer có thể tan hoàn toàn trong nước ấm 70 độ C trong 30 – 60 phút vừa nhận được đầu tư từ Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo ITI (ITI Fund) với nguồn vốn gần 1 triệu USD.

Đồng sáng lập Raphael Cazalbou và sản phẩm túi nhựa sinh học trong suốt có khả năng tan khi nhúng vào nước ấm.

Theo bà Đặng Thị Kiều My, Giám đốc ITI Fund, số tiền này được dùng vào mục tiêu tăng năng lực sản xuất, tiếp cận thị trường quốc tế và tăng cường năng lực đội ngũ marketing của doanh nghiệp khởi nghiệp. PVA Pro là dự án thuộc top 10 chung kết Cuộc thi Tìm kiếm tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2022), đồng thời nhận được “Giải thưởng Sáng kiến bền vững dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 2022” do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức.

Thành lập năm 2021, PVA Pro là một startup ứng dụng công nghệ nhựa sinh học mới trên nền tảng nhựa PVA. Nhựa PVA (Polyvinyl alcohol) truyền thống ứng dụng trong làm màng viên bọc giặt quần áo, bọc dược phẩm… Thông thường PVA thường có màu đục và tan nhanh trong nước lạnh. Đây là những nhược điểm khiến nhựa PVA rất khó dùng để làm bao bì vốn đòi hỏi trong suốt, mỏng, dẻo dai. Các thành viên chủ chốt của PVA Pro sau đó đã nghiên cứu tạo ra công nghệ sử dụng đặc tính mềm, dẻo của nhựa PVA để tạo một loại nhựa polymer mới có đặc tính mỏng, trong suốt, độ dẻo dai cao và chỉ tan nhanh trong môi trường nước ấm. Đặc tính này rất thích hợp để làm bao bì. Loại nhựa này không tạo ra hạt vi nhựa, không gây nguy hiểm cho động vật và hệ sinh thái tự nhiên khi phân hủy.

Dự án PVA Pro đang trong giai đoạn hoàn thiện nghiên cứu sản phẩm bao bì thân thiện môi trường được sử dụng trong ngành may mặc và thời trang. Mục tiêu của dự án là tiếp tục nghiên cứu và đưa các giải pháp bao bì cho các lĩnh vực khác như bán lẻ, tiêu dùng nhanh (FMCG). Hiện, dự án đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Long An có năng lực sản xuất 30 tấn nguyên liệu nhựa sinh học mỗi tháng và sẽ tăng thành 90 tấn mỗi tháng sau khi được đầu tư. Dự án bởi PVA Pro có thể tự sản xuất nguồn nguyên liệu hạt nhựa tại Việt Nam. Hiện nhiều doanh nghiệp đang phải nhập nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc sau đó phối trộn để tạo túi nhựa. Bà cho rằng, việc nhóm dự án chủ động nguồn nguyên liệu là cơ sở để sản phẩm tiến nhanh hơn từ giai đoạn nghiên cứu ra ứng dụng thực tế.

Thực tế, chi phí sản xuất một túi nhựa sinh học sẽ cao hơn nhiều lần so với một sản phẩm túi thường. Do vậy dự án cần tối ưu hóa về mặt công nghệ và quy mô sản xuất để giảm sự chênh lệch này, giúp sản phẩm đến gần thị trường hơn.

Nguồn: vista.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây