Tiên Yên – Quảng Ninh: Một hộ dân lo sợ gặp bất trắc vì việc chậm trễ trong xử lý khắc phục sạt lở

STNN – Gia đình hộ nông dân Hoàng Thị Tằng đang rất lo lắng bởi mùa mưa lũ sắp đến, trong khi đó tình trạng sạt lở đất và nghiêng đổ cây cối tại khu đất của gia đình bà vẫn chưa được người gây thiệt hại khắc phục hậu quả dù đã quá thời hạn thực hiện theo cam kết.

Chậm trễ trong việc xử lý tình trạng sạt lở?

Theo phản ánh của bà Hoàng Thị Tằng (sinh năm 1961), gia đình bà và gia đình ông Phạm Văn Khánh (sinh năm 1960) là hàng xóm giáp ranh sinh sống tại phố Long Tiên, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Khu đất của hai gia đình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BG857900 ngày 14/12/2006 cho gia đình bà Tằng và số Đ077549 ngày 08/11/2004 cho gia đình ông Phạm Văn Khánh.

Chiều ngày 23/9 và sáng ngày 24/9/2022, ông Phạm Văn Khánh đã thuê máy xúc đào đất tại khu vực giáp ranh giữa đất của gia đình ông và đất của gia đình bà Hoàng Thị Tằng. Quá trình đào đất này đã gây sạt lở và thiệt hại đến một số cây trồng trên phần diện tích đất của hộ gia đình bà Hoàng Thị Tằng. Do đó, gia đình bà Tằng đã có đơn gửi UBND thị trấn Tiên Yên giải quyết.

Tiếp nhận đơn, UBND thị trấn Tiên Yên đã tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng hai bên không thống nhất được thỏa thuận. Thời gian này, UBND thị trấn Tiên Yên tiến hành đo đạc để xác định thiệt hại mới phát hiện ra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giữa gia đình bà Tằng và gia đình ông Khánh là có sự chồng lấn.

Tình trạng đất sạt lở, cây cối nghiêng đổ trên khu đất của gia đình bà Hoàng Thị Tằng.

Theo hồ sơ đo đạc của UBND thị trấn Tiên Yên, hiện trạng phần đất bị thiệt hại liên quan tới việc đào xúc đất của ông Khánh là 210m2. Trong đó, 75m2 là đất chồng lấn theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai gia đình. Còn 135m2 là đất thuộc nhà bà Tằng, số đất này được san gạt ngay xuống phía trước nhà ông Khánh.

Đến ngày 13/02/2023, UBND thị trấn Tiên Yên lập biên bản vi phạm hành chính về vụ việc. Chỉ 1 ngày sau, ngày 14/02/2023, UBND đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai số 25/QĐ-XPVPHC đối với ông Phạm Văn Khánh. Theo đó, ông Khánh đã có hành vi vi phạm hành chính là tự ý tổ chức san gạt đất trái phép làm biến dạng địa hình đất tại phố Long Tiên (thị trấn Tiên Yên).

Tuy nhiên, phần diện tích mà ông Khánh đã có hành vi vi phạm hành chính chỉ là 130m2. Với hành vi vi phạm hành chính này, UBND thị trấn Tiên Yên đã xử phạt ông Khánh số tiền 3,5 triệu đồng. Đồng thời, ông Khánh cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm”.

Sau quyết định xử phạt hành chính này, UBND thị trấn Tiên Yên cũng đã thống nhất rằng ông Khánh có trách nhiệm múc đất để hoàn trả lại đất cho gia đình bà Tằng trước ngày 21/4/2023 theo biên bản hòa giải lần thứ 3 ngày 18/4/2023. Tuy nhiên, ông Khánh vẫn chưa tiến hành thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả này nên bà Tằng phải tiếp tục làm đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Điều đáng nói là, trong trường hợp này, chính quyền địa phương mà cụ thể là UBND thị trấn Tiên Yên là đơn vị trực tiếp đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình hay chưa? Khi mà, gần 5 tháng sau khi vụ việc xảy ra, UBND thị trấn Tiên Yên mới có biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt hành chính buộc khôi phục hiện trạng ban đầu. Sau khi xử phạt, UBND thị trấn Tiên Yên có thực hiện giám sát việc chấp hành quyết định xử phạt hay không?

Đã có quyết định buộc khắc phục hậu quả và kết luận đối thoại của huyện Tiên Yên nhưng ông Phạm Văn Khánh vẫn chưa thực hiện.

Người dân lo lắng

Ngày 23/5/2023, UBND huyện Tiên Yên đã tổ chức buổi đối thoại giữa 2 gia đình dưới sự chứng kiến các cơ quan chức năng huyện Tiên Yên. Tại đây, bà Tằng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết yêu cầu ông Khánh bồi thường thiệt hại đã gây ra theo hồ sơ đo đạc của UBND thị trấn Tiên Yên đã được Công an huyện Tiên Yên trả lời theo Văn bản số 393/TLĐ-CSĐT ngày 17/3/2023.

Đối với phần diện tích đất chồng lấn là 75m2, gia đình bà Tằng đề nghị giải quyết đó là phần đất của mình. Bởi, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà được cấp sau và trong quá trình thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Khánh cũng đã ký xác nhận phần đất giáp ranh. Đồng thời, bà Tằng cũng đề nghị làm rõ việc ông Khánh sẽ xây dựng 1 tuyến kè để chống sạt lở tại phần đất giáp ranh thì sau khi xây dựng xong tuyến kè này sẽ thuộc về gia đình nào?

Đáp lại, ông Khánh cho rằng việc tiến hành đào đất là để bảo vệ an toàn cho cả 2 gia đình và đồng ý với quan điểm bồi thường theo mức giá của Nhà nước. Cùng với đó, ông Khánh cũng đồng ý với phương án xây dựng tuyến kè trên đất của gia đình bà Tằng và khi xây xong tuyến kè sẽ do gia đình bà Tằng làm chủ sở hữu.

Sau phần đối thoại, ông Vi Quốc Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cũng đã thống nhất kết luận cho vụ việc này. Theo đó, gia đình ông Khánh đã thừa nhận sai sót trong việc đào đất đã gây sạt lở, thiệt hại cho gia đình bà Tằng là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Đối với tài sản (cây) bị thiệt hại, ông Khánh đền bù thiệt hại đối với những cây đã chết; giá trị bồi thường áp dụng theo quy định của Nhà nước. Giao UBND thị trấn Tiên Yên chủ trì phối hợp với Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường tiến hành xác minh. Việc đền bù thiệt hại phải hoàn thành trước ngày 30/5/2023.

Về phần đất chồng lấn, ông Vi Quốc Phương giao Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thị trấn Tiên Yên và 2 gia đình tiến hành xác minh ranh giới đất. Sau khi xác minh ranh giới đất, sẽ thu hồi phần diện tích chồng lấn và thực hiện cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định. Kết luận cũng nêu rõ: “Ngày 24/5/2023, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thị trấn Tiên Yên và 2 gia đình chốt mốc ranh giới đất giữa 2 hộ gia đình; ngày 25/5/2023 gia đình ông Phạm Văn Khánh tiến hành xây kè trên phần đất nhà bà Hoàng Thị Tằng, chiều cao tối thiểu là 2m, sau khi xây dựng kè xong, đề nghị ông Phạm Văn Khánh đổ đất vào chân kè, hoàn thành trước ngày 23/6/2023”.

Sẽ rất nguy hiểm nếu tình trạng sạt lở, nghiêng đổ cây cối này không được khắc phục trước mùa mưa bão.

Mặc dù kết luận của ông Vi Quốc Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên đã được các cơ quan chức năng huyện Tiên Yên và các bên liên quan thống nhất như vậy, nhưng đến nay, các kết luận này vẫn chưa được thực hiện; đặc biệt là việc khắc phục hậu quả của ông Phạm Văn Khánh đối với phần đất sạt lở, trong khi mùa mưa lũ đang đến rất gần.

Phản ánh đến TCĐT Sinh thái Nông nghiệp, bà Hoàng Thị Tằng cho biết: “Tới thời điểm hiện tại là đã gần 01 năm kể từ ngày ông Khánh vi phạm (23/9/2022), nhưng ông Khánh chưa thực hiện bồi thường cũng như khắc phục hậu quả đối với phần đất ta luy đồi nhà tôi bị ông Khánh phá huỷ có chiều sâu 9m và chiều dài 55m. Trong khi mùa mưa lũ đang đến gần, nếu không được khắc phục kịp thời thiệt hại xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm?”.

“Tôi kiến nghị phải thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với vi phạm của ông Khánh, buộc khắc phục hậu quả khẩn cấp, khôi phục nguyên trạng mảnh đất của gia đình tôi trở về trạng thái trước khi bị phá huỷ. Nếu không, mùa mưa lũ tới có thể tiếp tục gây ra việc sạt lở đất và có thể gây ra nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của các thành viên trong gia đình tôi” – bà Tằng cho biết thêm.

Có thể thấy, hiện nay, gia đình bà Tằng đang rất lo lắng khi mùa mưa lũ đang rất gần kề nhưng việc khắc phục hậu quả vẫn chưa được thực hiện. Bởi vì, với hiện trạng như vậy thì mùa lũ sắp tới càng gia tăng thêm nguy cơ sạt lở đất, gãy đổ cây cối, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của gia đình bà.

Vậy, nguyên nhân nào khiến kết luận của huyện Tiên Yên cho đến nay vẫn chưa được UBND thị trấn Tiên Yên, các phòng, ban và cá nhân liên quan xử lý triệt để, nhằm đem đến sự an tâm cho hộ gia đình bà Tằng?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Minh Quang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây