Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

STNN – Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trong buổi gặp gỡ các Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, các Đại sứ của Tổ chức Quốc tế nói tiếng Pháp tại Việt Nam.

Hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu và An ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển”

Việt Nam nên cân đối lại chính sách phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo

Chiều ngày 14/11/2022, tại phòng Tân Trào (Nhà Quốc hội), Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại diện các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan đã có buổi gặp gỡ các vị Đại sứ, Tham tán, các vị Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế Pháp ngữ cùng toàn thể các đại biểu Quốc hội thành viên Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Pháp của Quốc hội, Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF). Theo đó, đây là cuộc gặp gỡ rất quan trọng trước khi bế mạc kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 15 và ngay trước thềm những hoạt động quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ.

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội Việt Nam, với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là người đại diện cao nhất của Nhân dân, chúng tôi đã và đang tích cực đổi mới các hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực trên tinh thần dân chủ và pháp quyền.

Buổi gặp mặt của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực, đoàn kết và gắn bó mật thiết với Nhân dân, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật đủ về số lượng, và ngày càng nâng cao về chất lượng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Đồng thời, Quốc hội Việt Nam cũng rất chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương, trong đó có nghị viện các nước thành viên Cộng đồng Pháp ngữ.

Bên cạnh đó, về phía Quốc hội Việt Nam, hoạt động của Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) cũng hết sức hiệu quả và có nhiều sáng kiến, tới đây sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Vùng châu Á – Thái Bình Dương trong APF từ ngày 28-30/11/2022 tại Đà Nẵng. Đầu tháng 12, Quốc hội Việt Nam sẽ đón tiếp Chủ tịch Thượng viện Pháp thăm chính thức Việt Nam.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu: “Việc tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng Pháp ngữ và triển khai quan hệ với các nước thành viên Pháp ngữ khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và các nước thành viên trong Cộng đồng Pháp ngữ luôn giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam luôn chia sẻ và ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa – ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực”.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt.

Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong tổng thể hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam; đã góp phần tăng cường sự hiểu biết của bạn bè quốc tế về Việt Nam, đẩy mạnh quan hệ hợp tác liên nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện các nước, thông qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước, xác lập vị thế của Quốc hội Việt Nam trong nền ngoại giao nghị viện thế giới hiện nay.

Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước đã triển khai nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các đối tác của Quốc hội các nước, hoạt động giao lưu giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị với các đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam, với đoàn ngoại giao các nước. Từ đó, đã thiết lập một kênh quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội và Nhân dân Việt Nam với Quốc hội và Nhân dân các nước.

“Nhân dịp này, tôi cũng hoan nghênh những sáng kiến và sự tích cực của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt – Pháp, Phân ban Việt Nam trong APF, cùng với sự đóng góp tích cực của các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, đã triển khai những hoạt động hết sức có hiệu quả. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng cuộc gặp gỡ hôm nay, thông qua ngôn ngữ chung là tiếng Pháp, sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và các đối tác; đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương và mở ra những trao đổi, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các nước” ông Trần Thanh Mẫn chia sẻ.

Cũng tại buổi gặp gỡ, Bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, Phó Chủ tịch APF nhiệm kỳ 2019-2022 cũng cho biết, hoạt động của Phân ban Việt Nam trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ được đánh giá cao, đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn nghị viện đa phương, góp phần thực hiện tôn chỉ mục đích chung của APF là duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác với các nước.

Bà Nguyễn Thúy Anh cũng mong các bên phối hợp để tổ chức các cuộc gặp gỡ thường xuyên hơn.

Với những kết quả tốt đẹp đã đạt được, bà Nguyễn Thúy Anh mong các Đại sứ, Trưởng đại diện tổ chức quốc tế nói tiếng Pháp tại Việt Nam cùng với các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước nói tiếng Pháp; thúc đẩy quan hệ giữa Phân ban Việt Nam và các Phân ban tương ứng, các tổ chức quốc tế để có tiếng nói chung, chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề cùng quan tâm tại các diễn đàn đa phương. Đồng thời, các bên liên quan tạo cơ chế tham vấn thường xuyên đối với những vấn đề chung thảo luận trong khuôn khổ APF, OIF; hợp tác chia sẻ kinh nghiệm các nước trong công tác xây dựng pháp luật và các lĩnh vực quan tâm như về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, đổi mới, khởi nghiệp, phát triển bền vững; thúc đẩy quan hệ hợp tác liên nghị viện, tổ chức các hội nghị, hội thảo theo hình thức đa dạng như hội nghị trực tuyến giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị…

“Các bên phối hợp để tổ chức thường xuyên hơn các cuộc gặp giữa thành viên Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt – Pháp và các đại biểu Quốc hội nói tiếng Pháp với các Đại sứ và Trưởng đại diện nói tiếng Pháp của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để trao đổi về các vấn đề các bên cùng quan tâm, qua đó tăng cường hợp tác, đoàn kết, tình hữu nghị trong khối Cộng đồng Pháp ngữ”, Bà Nguyễn Thúy Anh chia sẻ.

Đức Quang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây