Về thăm 3 cây di sản ở ngôi làng ven đô

STNN – Là mảnh đất địa linh nhân kiệt với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, thôn Song Khê, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) tự hào có tới 3 di tích quốc gia và 3 cây di sản Việt Nam. 

Cây đa ba rễ đầu làng Song Khê.

Một chiều nắng ấm cuối năm 2023, người viết ghé thăm làng Song Khê, nơi có những di tích quốc gia tiêu biểu chùa Bối Khê, đình Kim, nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực và 3 cây di sản Việt Nam: cây đa ba rễ, cây bồ đề, cây đa cửa chùa Bối Khê. 

Đứng sừng sững “gội gió tắm mưa” hàng trăm năm nơi đầu làng Song Khê, cây di sản – cây đa ba rễ có một thân chính và 3 thân phụ (là những rễ cây to lớn cắm xuống đất). Với nhiều thế hệ người dân địa phương, cây đa ba rễ như người bạn thân thương, như “chứng nhân lịch sử”, chứng kiến bao biến đổi thời cuộc, bao đổi thay của quê hương. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Pháp, cây đa ba rễ là nơi du kích và dân làng chống giặc. Dưới gốc cây có hòm thư bí mật đựng các chỉ thị, văn kiện phục vụ cách mạng… 

Cây đa ba rễ gắn với những chiến tích lẫy lừng của du kích quân Tam Hưng, làm nên bốn chữ vàng “Tam Hưng Anh Dũng” (năm 1948). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cây đa ba rễ là nơi dân quân đặt chòi trực chiến. Trên chòi cao, đội thanh niên xung kích là những phát thanh viên gọi loa thông báo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kháng chiến kiến quốc, vận động thanh niên lên đường ra trận, động viên những người ở lại hăng hái sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; khi có máy bay Mỹ thì báo động để dân quân tham gia chiến đấu, còn nhân dân xuống hầm trú ẩn. 

Cùng với cây đa ba rễ, cây đa chùa Bối, cây bồ đề đền Đức Ông như những “chứng nhân lịch sử” của làng Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Từ vị trí cây đa ba rễ, men theo đường làng khoảng chừng 1 km, tôi đến với ngôi chùa Bối Khê, nơi có cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi tỏa bóng “hùng dũng, uy nghiêm” bên cây Bồ đề đại thụ xanh ngắt, tràn đầy nhựa sống. Cùng với cây đa ba rễ, “cây đa chùa Bối” và cây Bồ đề đã tạo nên những dấu ấn lịch sử đi cùng năm tháng, song hành cùng đời sống người dân nơi đây. 

Không ai biết chính xác cây đa cửa chùa hay “cây đa chùa Bối” có tự bao giờ, các bậc cao niên kể rằng, cây đa này có từ hàng trăm năm trước. Cao cả chục mét, “cây đa chùa Bối” có một thân chính và nhiều rễ phụ vững chãi. Tán cây hơi nghiêng về phần sân trước cổng ngũ môn của ngôi chùa giúp “tô điểm” cho cảnh chùa thêm tôn nghiêm, trầm mặc, toát lên vẻ đẹp thiền tự chốn làng quê. 

Trải qua thời gian mấy trăm năm, “cây đa chùa Bối” vẫn tỏa bóng uy nghi trước cổng ngũ môn của chùa. Cách đó chỉ vài chục mét, cây bồ đề đền Đức ông cũng sừng sững, đồ sộ như một tòa lâu đài xanh ngắt. Tương truyền, cây bồ đề được trồng sau khi ngôi đền được xây dựng. Trong gia phả của dòng họ Lê ở làng Bối Khê ghi nhận, cây bồ đề được cụ Lê Đình Thọ trồng cách đây gần 500 năm.

Cây đa chùa Bối Khê.

Đứng trước cửa chùa Bối, hai tán cây đan xen, xa xa hiển hiện mái tam quan, gác chuông ngôi chùa hai tầng tám mái, tạo nên cảnh đẹp tuyệt diệu chốn thiền môn. Với người dân địa phương nơi đây, những “kỳ mộc” này còn là “chứng nhân” lịch sử quê hương và dân tộc, chứng kiến những sự kiện văn hóa tín ngưỡng, văn hóa miền quê “xứ Đoài”. 

Chùa Bối Khê và lễ hội chùa Bối Khê vô cùng độc đáo. Đây là ngôi chùa cổ có niên đại vài trăm năm, thuộc loại đẹp và xưa nhất còn lại ở nước ta. Qua một số lần trùng tu vào các thời Lê, Mạc, Nguyễn, đến nay, chùa Bối Khê trở thành một trong những ngôi chùa hội tụ nhiều phong cách kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Đến chùa Bối vào mùa hè, lữ khách sẽ được chiêm ngưỡng những bông hoa sen trắng muốt nằm ẩn mình trong lớp lớp tán lá xanh, dân làng gọi là hoa sen cạn. Lễ hội truyền thống chùa Bối Khê diễn ra từ ngày mùng 10 – 12 tháng Giêng hàng năm, đặc sắc với nghi thức lễ cầu nước. 

Dũng Trần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây