Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, nông thôn nước nhà

STNN – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tiền thân là Học viện Thủy lợi – Điện lực), thành lập từ tháng 11/1959; Viện được xếp hạng đặc biệt theo quy định tại Điều 10 Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội nghị tổng kết năm 2023 và nhận Cờ thi đua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022.

Viện là cơ quan tham mưu chính cho Bộ NN&PTNT về chiến lược, các chương trình trọng điểm, kế hoạch về khoa học công nghệ thủy lợi, thủy điện, môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Cung cấp luận cứ khoa học phục vụ lập kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng thể chế chính sách và định mức kinh tế kĩ thuật; Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào phục vụ sản xuất, an ninh quốc phòng; Hợp tác quốc tế và đào tạo nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.

Gần 65 năm xây dựng và phát triển, Viện đã nỗ lực không ngừng để trở thành cơ quan nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực thủy lợi. Các hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện luôn bám sát chủ trương lớn trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi; hàng năm, Viện đã thực hiện hàng trăm nhiệm vụ khoa học công nghệ (đề tài/dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh và dự án, chương trình hợp tác quốc tế) đã tập trung vào một số hướng nghiên cứu trọng tâm trên cơ sở kế thừa các thế mạnh và nền tảng về khoa học của Viện đã được xây dựng từ trước để từng bước giải quyết các vấn đề trên, đó là: tưới tiên tiến tiết kiệm nước; nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi, với mục tiêu: thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện được hình thành có định hướng thành các cụm nhóm nhiệm vụ để giải quyết toàn diện, đồng bộ những vấn đề lớn của thực tiễn đang đặt ra như: Vấn đề sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vấn đề công nghệ cấp nước sinh hoạt cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và hạ du vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), v.v.. Nhờ đó, các sản phẩm KHCN của Viện đã đáp ứng đúng và trúng các yêu cầu của thực tế, có thể kể đến: Công nghệ dự báo và giám sát hạn hán, xâm nhập mặn đã được Viện nghiên cứu và triển khai ứng dụng tại vùng ĐBSH và ĐBSCL đạt kết quả tốt, cung cấp số liệu dự báo chính xác giúp Bộ trong điều hành sản xuất hiệu quả, nhất là các đợt hạn hán ở ĐBSCL và miền Trung.

Các sản phẩm nghiên cứu của Viện được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao, điển hình như: Công nghệ đập trụ đỡ, đập xà lan được ứng dụng xây dựng các công trình kiểm soát nguồn nước tiếp tục được phát triển và ứng dụng cho các công trình có quy mô, khẩu độ lớn hơn như các công trình chống ngập cho TP.HCM, Cống Cái Lớn – Cái bé, các cống ngăn mặn, giữ ngọt ở ĐBSCL; Các giải pháp công nghệ tính toán kiểm đếm nguồn nước, công nghệ lưu giữ nước phục vụ chống hạn cho các vùng trọng điểm ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; Các giải pháp công nghệ phục vụ chính trị, bảo vệ bờ sông, bờ biển tập trung cho vùng ĐBSCL, ven vùng, ven biển Trung Bộ; Công nghệ, thiết bị phục vụ giám sát, dự báo đảm bảo an toàn hồ chứa theo thời gian thực, kiểm soát, điều tiết nguồn nước tưới trong hệ thống thủy lợi; Công nghệ, quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực, hiện Viện đang từng bước nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng các quy trình tưới thông minh, tưới chính xác cho một số cây trồng chủ lực, các giải pháp phục vụ quy hoạch cấp thoát nước, công nghệ xây dựng công trình và thiết bị lấy nước mặn từ xa phục vụ nuôi trồng thủy sản, tập trung chính ở ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu của đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT; Nghiên cứu và ứng dụng các dạng cửa van lớn, thiết bị, máy bơm đặc thù cho từng vùng phục vụ chống úng, hạn, cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, v.v..

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành thủy lợi nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn nói chung, Viện đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý về khoa học và công nghệ như: 01 Giải thưởng Hồ Chí Minh; 01 Giải thưởng Châu Á – Thái Bình Dương; 14 Giải thưởng Bông Lúa Vàng; 12 Giải thưởng Vifotec; 1 Giải thưởng Cold Prize; 12 Cúp vàng Techmart; 8 Cúp vàng Nông nghiệp – Agroviet; 27 Bằng sáng chế, bản quyền tác giả; 6 Bằng lao động sáng tạo;… Viện vinh dự được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba;…

Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây