Yên Bái sẵn sàng cho lễ vinh danh “Nghệ thuật Xòe Thái”

STNN – Vào ngày 24/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ đón nhận được tổ chức vào dịp Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Mùa vàng ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Lễ hội có sự tham gia của các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, cùng các tỉnh trong Chương trình liên kết hợp tác và phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Thành phố Hồ Chí Minh; các ngành, cơ quan, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Yên Bái; Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

Theo Ban Tổ chức, tính đến thời điểm này, các địa điểm công cộng phục vụ du khách tới theo dõi Lễ đón nhận và khai mạc Lễ hội đã sẵn sàng, đảm bảo an toàn, chu đáo, trang trọng, theo yêu cầu đề ra. Ban Tổ chức phát vé miễn phí cho nhân dân và du khách đến tham dự Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái”.

Thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải đã chuẩn bị đầy đủ các phương án tăng cường quản lý các dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng kinh doanh thương mại, cam kết không tăng giá, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái trong dịp Lễ hội. Các ngành chức năng chú ý công tác đảm bảo an ninh, trật tự; đảm bảo an toàn giao thông để các sự kiện được diễn ra thành công. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa, mến khách, tạo hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp cho đại biểu, du khách khi đến với quê hương Yên Bái.

Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình dân vũ đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào được biểu diễn trong tất cả các lễ hội, sinh hoạt mang tính cộng đồng của người Thái ở Tây Bắc. Điệu múa không quá phức tạp, ai cũng có thể tham gia múa được. Động tác cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở tay ra, hạ tay xuống, nắm lấy tay người bên cạnh rồi cùng bước chân nhịp nhàng, uyển chuyển, thư thái. Âm nhạc cho múa Xòe cũng thể hiện quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt cổ. Họ nắm tay nhau kết thành vòng tròn quanh đống lửa thể hiện tình đoàn kết giúp con người xích lại gần nhau hơn, để người với người có điều kiện gần nhau hơn, thể hiện tình cảm cộng đồng trong đó có cả những tình cảm riêng tư của tình yêu đôi lứa trong những cái nắm tay quanh đống lửa đêm xòe, khi chia tay họ có thể tặng nhau những chiếc khăn Piêu làm kỷ niệm…

Di sản nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam: Ở Sơn La, nghệ thuật Xòe Thái được công nhận theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL, năm 2015; Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Điện Biên theo Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTDL, năm 2013; Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Yên Bái theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL, năm 2015; Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Lai Châu theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL, năm 2015.

Từ năm 2016, tỉnh Yên Bái và các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp), di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đức Huấn 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây