Bí ẩn về “Thác máu” kỳ lạ ở Nam cực

STNN – Thác máu bí ẩn thuộc sông băng Taylor – con sông được đặt theo tên của nhà khoa học người Anh Thomas Griffith Taylor, người đầu tiên phát hiện ra Thác máu trong chuyến thám hiểm khoảng đầu những năm 1910. Điểm đặc biệt của những thác này là chúng rất lạnh, siêu mặn và có màu đỏ như máu. Vì thế nên chúng mới có tên là Thác máu (Blood Fall).

Bí ẩn về “Thác máu” kỳ lạ ở Nam cựcCác nhà khoa học quyết định tìm hiểu bí mật của những Thác máu, và khẳng định nguồn cung cấp nước cho các Thác máu là một hồ mặn ở bên dưới lớp băng. Một hệ sinh thái vi khuẩn tồn tại biệt lập trong hồ suốt hàng triệu năm. Nhờ các kỹ thuật hiện đại, họ xác định được rằng hồ nước mặn cách bề mặt băng khoảng 400 mét mà không phải khoan sâu xuống.

Nhóm nghiên cứu tin rằng cách đây vài triệu năm, hồ nước mặn từng là một phần của đại dương tại cực nam của địa cầu. Khi mực nước ở đại dương giảm mạnh, hồ bị tách ra. Sau nhiều lần bốc hơi với tốc độ cao, độ mặn của hồ cao gấp 4 lần so với đại dương. Nhờ độ mặn đó mà nó không đóng băng dù nằm giữa Nam Cực. Cách đây khoảng 1,5 – 2 triệu năm, sông băng Taylor dịch chuyển qua hồ và bịt kín nó. Vào mùa hè, nhiệt độ ở Nam Cực đủ ấm để nước trong hồ trào lên bề mặt băng.

Để tìm hiểu nguyên nhân khiến các Thác máu có màu đỏ, nhóm nghiên cứu phân tích mẫu nước của chúng. Kết quả cho thấy trong nước có các hợp chất của lưu huỳnh và sắt. Khi hợp chất của sắt hòa tan trong dung dịch lỏng, các ion sắt tạo ra màu đỏ cho dung dịch.

Điều đáng chú ý nhất là ban đầu nước rất trong nhưng nhanh chóng chuyển thành màu đỏ sau khi chảy ra từ băng, do sắt bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí lần đầu tiên sau hàng thiên niên kỷ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới kiểm tra mẫu nước và phát hiện sắt tồn tại ở dạng ngoài dự kiến. Về lý thuyết, đó không phải là khoáng chất mà có dạng siêu vi cầu nhỏ hơn 100 lần so với tế bào hồng cầu của con người. Ngoài sắt, chúng còn chứa nhiều nguyên tố khác như silicon, canxi, nhôm, natri, vô cùng đa dạng. Để là khoáng chất, nguyên tử phải sắp xếp theo cấu trúc tinh thể đặc biệt. Siêu vi cầu không có dạng tinh thể, vì vậy những phương pháp trước đây dùng để kiểm tra chất rắn không tìm ra chúng.

Nguồn: vista.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây