STNN - Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 10/6 đến ngày 12/6/2024 nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đồng thời, Lễ hội cũng có những hoạt động thiết thực để đẩy mạnh việc phát triển sản xuất, tiêu thụ các loại trái cây.
- Gần 200 đơn vị tham gia Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024
- Tăng cường hỗ trợ tuần hoàn máu nhờ trà túi lọc đông trùng hạ thảo HLB
Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND về việc tổ chức Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 có quy mô cấp vùng với chủ đề “Cảm xúc miền nhiệt đới”. Theo đó, Lễ hội nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước; đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các loại trái cây đặc sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và cả nước.
Theo kế hoạch, Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10/6 đến 12/6/2024 tại quảng trường Hùng Vương (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Đồng thời, để tổ chức Lễ hội, UBND tỉnh Tiền Giang cũng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Bộ Công Thương.
Với quy mô khoảng 150 gian hàng, Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ là nơi làm không gian trưng bày, giới thiệu và thương mại trái cây, các sản phẩm từ trái cây, sản phẩm OCOP của các huyện, thành, thị trong tỉnh Tiền Giang và các tỉnh, thành trên cả nước; Hội chợ công nghiệp, thương mại vùng ĐBSCL - Tiền Giang năm 2024; khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang...
Bên cạnh đó, Lễ hội sẽ có các hoạt động trải nghiệm và tham gia của cộng đồng như: Không gian vườn ẩm thực, liên hoan nghệ thuật xếp đặt mô hình trái cây, thi món ngon từ các loại trái cây, chạy bộ phong trào với trang phục thiết kế tạo hình trái cây; tuần hàng trái cây đặc sản tại một số hệ thống phân phối hiện đại trong cả nước.
Đáng chú ý, Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 cũng có các hoạt động thiết thực trong việc phát triển sản xuất, tiêu thụ các loại trái cây. Cụ thể, đó là các chương trình như: Hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực và kỹ năng quảng bá trái cây, sản phẩm trái cây trên sàn thương mại điện tử”, kết hợp hoạt động livestream bán hàng; Hội thảo “Chuyên gia và nhà vườn”; Hội thảo “Xây dựng mô hình chuỗi sầu riêng bền vững tại thị trường quốc tế”.
Hội thảo “Chia sẻ khoa học dinh dưỡng từ trái cây Việt, giới thiệu các loại hình nghệ thuật ẩm thực, bánh ngọt và pha chế từ trái cây”; Hội nghị xúc tiến và quảng bá du lịch nông thôn miệt vườn Tiền Giang; Công bố bản đồ du lịch số “Khám phá vườn trái cây nhiệt đới”; Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối thông tin thị trường.
Với vai trò phối hợp, hỗ trợ tổ chức, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT) cũng đã rất tích cực hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang xây dựng kế hoạch triển khai Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024. Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cũng đã tiến hành mời, vận động các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội.
Trong khi đó, với vai trò là địa phương chủ trì, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng nhấn mạnh, đây là một trong những sự kiện lễ hội lớn của tỉnh trong năm 2024. Do đó, đề nghị các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, nhất là Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Văn phòng UBND tỉnh tập trung tổ chức Lễ hội phải chu đáo, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, ấn tượng và lan tỏa sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, Lễ hội sẽ có sự tham gia của các cơ quan chức năng trong nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, du khách trong và ngoài nước; do đó, cần đảm bảo tốt an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường trong suốt quá trình diễn ra Lễ hội.
Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cũng yêu cầu các nội dung hoạt động của Lễ hội phải tôn vinh được sự đa dạng của các loại trái cây Việt, đồng thời có tập trung cho các loại trái cây chủ lực, thế mạnh, có giá trị kinh tế cao, các loại trái cây tiềm năng của tỉnh như: sầu riêng, mít, bưởi, khóm,... Cùng với đó, đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược, giới thiệu được các mô hình sản xuất tiên tiến, giải pháp công nghệ chế biến sau thu hoạch, đặc biệt là chế biến sâu, gắn với kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số trong chuỗi giá trị trái cây Việt.
Được biết, tỉnh Tiền Giang là một trong hai địa phương có diện tích trái cây lớn nhất cả nước với hơn 82.600 ha, đạt sản lượng trên 1,7 triệu tấn/năm. Trong đó, có nhiều loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao như: sầu riêng, mít, thanh long, xoài... Đến thời điểm này, diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng là 279 mã số, với diện tích hơn 20.300 ha và 307 mã số cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu.
Trong một chia sẻ với báo chí mới đây, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, Lễ hội trái cây được tổ chức trong thời gian tới nhằm tôn vinh các loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, khu vực ĐBSCL và cả nước, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các loại trái cây đặc sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL và cả nước.
Cùng với đó, từ Lễ hội cũng sẽ xây dựng và tôn vinh hình ảnh ngành hàng trái cây đặc sắc của Việt Nam, thông qua đó quảng bá hình ảnh tươi đẹp của Tiền Giang, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch. Đồng thời, Lễ hội trái cây còn góp phần định hướng người tiêu dùng đối với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và dinh dưỡng của trái cây Việt Nam…
Anh Đức