Chủ động ứng phó với cơn bão số 1

STNN – Đó là nội dung chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Bộ Y tế tại một Công điện vừa được các cơ quan này phát đi chiều nay đến các địa phương bão có thể đi qua.

bão talim
Vị trí tâm bão lúc 19 giờ ngày 17/7 (ảnh chụp vệ tinh) – Nguồn: TT Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 (tên quốc tế là TALIM) ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 480km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15. Dự báo trong 24h tới, bão số 1 di chuyển hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h; cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9. Trong 24 đến 36h tới, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km/h và suy yếu dần. Hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng, ven sông, suối.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ, chiều ngày 17/6, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Bộ Y tế vừa có Công điện yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

1. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 và các văn bản liên quan về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ.

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống.

3. Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Các tỉnh ven biển, khu vực miền núi đề phòng nguy cơ úng lụt, sạt lở đất do mưa bão gây ra. Rà soát kế hoạch phòng chống lụt bão, các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất.

4. Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trước đó, ngày 12/5/2023, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ. Nội dung công văn như sau:

1. Xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trước mùa bão lũ:

– Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão.

– Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, đảm bảo vệ sinh cá nhân… theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

– Bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường. Xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế theo quy định hiện hành.

2. Khi có bão, lũ xảy ra:

– Tổ chức các đoàn công tác của ngành y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.

– Chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.

– Tổ chức hướng dẫn cán bộ y tế và người dân triển khai ngay các hoạt động vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các khu vực bị ngập
lụt.

3. Sau khi có bão, lũ xảy ra:

– Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.

– Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình.

– Kiểm tra giám sát chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế hoặc trong các khu tránh trú an toàn theo quy định hiện hành.

PV

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây