Chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

STNN – Ngày 22/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho bà con ngư dân – Ảnh: dangcongsan.vn.

Chương trình được ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW. Mục tiêu là khẩn trương khắc phục những hạn chế trong quản lý và phát triển ngành Thủy sản, cũng như chống khai thác IUU (Illegal, Unreported, and Unregulated fishing) đến nay. Chương trình cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy sự nhận thức về tầm quan trọng của việc chống khai thác IUU và sự cần thiết của hành động mạnh mẽ từ các cấp, ngành trong việc đảm bảo tuân thủ các quy định và nghị quyết của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển.

Cụ thể, chương trình đề xuất nhiềm vụ và giải pháp cho đến tháng 5/2024 bao gồm:

  1. Nâng cao hiệu quả các hoạt động thông tin truyền thông và tuyên truyền, cùng với việc tăng cường tập huấn và vận động ý thức trách nhiệm trong việc chống khai thác IUU.
  2. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU.
  3. Triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp pháp luật liên quan đến quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển và tại cảng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
  4. Thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu.
  5. Điều tra, xác minh và xử lý các hành vi khai thác IUU một cách triệt để, không có trường hợp ngoại lệ.
  6. Ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp ở ngoại vùng biển.

Ngoài ra, chương trình còn đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp dài hạn như:

  1. Rà soát và hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, tập trung vào chính sách nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
  2. Hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, cải thiện sinh kế và đào tạo nghề cho ngư dân.
  3. Rà soát và nghiên cứu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, để đảm bảo các cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền để thực thi pháp luật.
  4. Đầu tư và khuyến khích hợp tác công tư trong phát triển cơ sở vật chất và hạ tầng thủy sản.
  5. Đẩy mạnh chuyển đổi nghề và phát triển ngành nghề bền vững, cũng như công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nuôi trồng và khai thác thủy sản.
  6. Tăng cường hợp tác quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chương trình cũng cam kết đảm bảo thực hiện các quy hoạch, chiến lược và chương trình quốc gia liên quan đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong ngành thủy sản.

Chi tiết Chương trình. Xem tại đây.

Thành Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây