Sản xuất nông nghiệp trong tháng Tư diễn ra trong tình hình thời tiết bất lợi

STNN – Sản xuất nông nghiệp trong tháng Tư diễn ra trong tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở mức cao tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chăn nuôi lợn và gia cầm tăng trưởng khá.

Lúa đông xuân

Tính đến ngày 15/4/2024, cả nước gieo cấy được 2.948,6 nghìn ha lúa đông xuân, giảm 2,5 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước. Các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.057,5 nghìn ha, giảm 9,4 nghìn ha chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp như xây dựng cụm công nghiệp, xây dựng đường cao tốc hoặc chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đã gieo cấy được 470,6 nghìn ha, giảm 6,3 nghìn ha; vùng Trung du và miền núi phía Bắc gieo cấy được 240,1 nghìn ha, giảm 2 nghìn ha; vùng Bắc Trung Bộ gieo cấy được 346,8 nghìn ha, giảm 1,1 nghìn ha. Các địa phương phía Nam gieo cấy 1.891,1 nghìn ha, tăng 6,9 nghìn ha so với vụ đông xuân năm trước do giá lúa đang ở mức cao nên người dân tích cực xuống giống tối đa diện tích.

Diện tích gieo trồng một số cây hàng năm (tính đến trung tuần tháng 4/2024).

Do thực hiện tốt công tác chăm sóc ngay từ khi gieo cấy nên hầu hết diện tích lúa đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Ngay từ đầu vụ, các địa phương ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Tháng Tư và nửa đầu tháng Năm, xâm nhập mặn đạt đỉnh trùng với thời kỳ lúa đông xuân bắt đầu cho thu hoạch nên nhu cầu nước cần ít hơn, do đó không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất vụ đông xuân.

Đến trung tuần tháng Tư, các địa phương phía Nam thu hoạch 1.612 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 85,2% diện tích gieo trồng và bằng 102,0% so cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch được 1.423,9 nghìn ha, chiếm 95,7% và bằng 100,6%.

Lúa hè thu

Tính đến giữa tháng Tư, các địa phương phía Nam gieo cấy được 553,5 nghìn ha lúa hè thu, bằng 130,9% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 544,8 nghìn ha, bằng 131,2%. Tiến độ gieo cấy lúa hè thu nhanh hơn cùng kỳ năm trước do nhiều địa phương thu hoạch sớm vụ lúa đông xuân, cùng với đó giá lúa ở mức cao nên bà con nông dân tranh thủ xuống giống vụ hè thu. Một số địa phương có tiến độ gieo cấy lúa hè thu nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước: Long An bằng 125,9%; An Giang bằng 113,5%; Hậu Giang bằng 118,4%… Tuy nhiên, vụ hè thu thường chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên trong các tháng mùa khô. Do đó, các địa phương cần áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, bảo đảm nguồn nước tưới cho cây lúa, rà soát cơ cấu mùa vụ và điều chỉnh thời vụ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho vụ mùa tiếp theo.

Cây hàng năm

Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Trong đó, diện tích một số cây như ngô, đậu tương, lạc tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.

Chăn nuôi

Tốc độ tăng số lượng gia súc, gia cầm cuối tháng 4/2024 so với cùng thời điểm năm trước.

Chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm. Đặc biệt, đàn trâu có xu hướng giảm rõ rệt ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, một số trang trại nuôi gà thịt kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Đàn lợn có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt lợn hơi tăng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ.

Tính đến ngày 23/4/2024, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch cúm gia cầm còn ở Vĩnh Long; dịch lở mồm long móng còn ở Sơn La, Quảng Nam và dịch tả lợn châu Phi còn ở 17 địa phương chưa qua 21 ngày.

Hồng Hà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây