Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị xác minh và truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa gây ngộ độc tại tỉnh Tiền Giang

STNN – Tại Công văn số 2472/ATTP-NĐTT ngày 16/10/2023, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế Vĩnh Long chỉ đạo cực điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân bị ngộ độc, xảy ra ngày 14/10 vừa qua, nghi ngờ do uống sữa tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Công văn cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ, kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm nghi ngờ sản xuất, kinh doanh ở địa phương). Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đình chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc (nếu phát hiện) và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác định nguyên nhân và xử lý vụ việc. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn thực phẩm, không sử dụng sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Căn nhà có 2 người tử vong nghi bị ngộ độc.
Căn nhà có 2 người tử vong nghi bị ngộ độc.

Trước đó, thông tin ban đầu, vào lúc 6h ngày 14/10, bà Phạm Thị P. (83 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) ngủ dậy phát hiện con ruột của bà là anh Phạm Văn Y. (45 tuổi) đã tử vong. Tuy nhiên, gia đình này nghĩ rằng anh Y. tử vong là do bệnh lý nên tổ chức đám tang mà không trình báo cơ quan công an.

Đến 22h cùng ngày, chị Phạm Thị Mỹ C. (53 tuổi là con ruột bà P.) pha 100 ml sữa cho bà P. để uống. Ngay khi uống hết sữa bà P. có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn ói. Khoảng 5 phút sau, bà P. chết tại nhà, gia đình nghĩ cái chết của bà cũng do bệnh lý nên không trình báo cơ quan công an.

Sau đó, khoảng 4h ngày 15/10, anh Phạm Minh T. (55 tuổi, con ruột bà P.) tự pha 150ml sữa để uống. Khi uống được 50ml thì có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nên gia đình đưa đến bệnh viện Triều An – Loan Trâm ở tỉnh Vĩnh Long để cấp cứu. Tại đây, anh T. được bác sĩ chẩn đoán nghi do ngộ độc sữa nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long để tiếp điều trị.

Bệnh nhân bị ngộ độc sữa được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân bị ngộ độc sữa được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Liên quan đến sự việc này, theo thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh), bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân P.M.T. (55 tuổi, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long chuyển lên trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp cấp, phải thở máy. Tại đây, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định theo chẩn đoán bước đầu, bệnh nhân ngộ độc cấp. Các bác sỹ đã lập tức tiến hành các biện pháp thở máy, lọc máu hấp phụ và sử dụng các loại thuốc vận mạch, dịch truyền để đào thải các chất độc ra ngoài, đảm bảo tính mạng bệnh nhân.

Sau khoảng 12 giờ hồi sức tích cực, trưa 16/10, bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện tri giác, tỉnh táo hơn, bắt đầu tiếp xúc được. Kết quả xét nghiệm cho thấy tổn thương gan, thận, cơ tim và phổi đang có dấu hiệu hồi phục. Đến chiều 16/10, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, có dấu hiệu hồi phục tốt.

Kết quả hội chẩn với các khoa lâm sàng, cận lâm sàng cùng tất cả các bằng chứng, triệu chứng lâm sàng, các bác sỹ thống của bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất với kết luận đây là bệnh cảnh nghi ngờ ngộ độc cấp dẫn đến tình trạng tổn thương đa tạng, suy hô hấp cấp, hôn mê.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Công an huyện Cái Bè phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến hai người tử vong.

  • Sữa là một sản phẩm nông nghiệp phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong dinh dưỡng hàng ngày. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sữa là một yếu tố cực kỳ quan trọng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
  • Đảm bảo sữa an toàn từ giai đoạn sản xuất, chế biến, đóng gói cho đến quá trình vận chuyển và bán hàng là cần thiết để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm và các vấn đề sức khỏe liên quan. Việc áp dụng các quy trình giám sát chất lượng nghiêm ngặt, kiểm tra chất lượng và tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm là cách tốt nhất để đảm bảo rằng sữa mà người dùng tiêu thụ là an toàn và không gây hại cho sức khỏe.

NK

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây