Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng táo ở bãi bồi ven sông La

STNN – Bãi bồi bên bờ sông La Giang (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) trước đây là vùng đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Anh Nguyễn Trung Tính là người mạnh dạn đi đầu trồng lên vườn táo xanh tốt, sai trĩu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, đồng thời góp phần tạo thảm thực vật xanh bảo vệ môi trường ven sông.

Ngoài trồng để thu hoạch thì vườn táo của anh Tính đã thu hút hàng trăm vị khách đến tham quan, thưởng thức táo ngay tại vườn.

Quyết định bỏ nghề lái xe về quê trồng táo, anh Tính giờ là chủ nhân của một vườn táo xanh tốt, sai trĩu quả. “Trước đây, tôi làm nghề lái xe, đi các tỉnh tôi thấy người ta trồng  táo không khó, lại mang lại hiệu quả kinh tế. Bản thân tôi là người thích trồng cây, nên khi sức khỏe không đảm bảo, tôi quyết định nghỉ việc lái xe, trở về làm vườn và chọn trồng táo để phát triển kinh tế”.

Trước lúc quyết định trồng vườn táo như hiện nay, anh Tính đã dành nhiều thời gian tham quan, tìm hiểu các vườn cây ăn quả tại Nha Trang, Phú Yên, Bắc Giang, Nam Định… Sau khi tham khảo, chọn lọc, anh quyết định mua cây giống từ nhà vườn ở Nam Định với giá 20.000 đồng/cây bởi giống táo này có rất nhiều ưu điểm, dễ trồng, không tốn nhiều công sức chăm bón mà mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vào năm 2017, anh Tính thuê đất bãi bồi ven sông La Giang của huyện Đức Thọ để trồng táo. Trên diện tích 7.000m2, ban đầu anh trồng 150 gốc táo. Sau đó, thấy cây táo phát triển tốt, dễ trồng, dễ chăm sóc lại cho thu nhập hơn các loại cây trồng khác nên anh tiếp tục trồng thêm 150 cây.

Vườn táo rộng 7000m2 của anh Tính tại bãi bồi ven sông La Giang.

Vườn táo rộng 7000m2 của anh Tính tại bãi bồi ven sông La Giang.

Dưới sự chăm sóc cẩn thận, kỹ lưỡng của chủ vườn, hơn 300 gốc táo đã cho ra những quả táo, to, căng mọng rất ngon ngọt khi vào độ thu hoạch. Với cây táo, từ khi trồng cây con đến khi thu hoạch vụ đầu tiên là 12 tháng. Những năm sau đó, táo phát triển mạnh, mỗi gốc có thể thu hoạch lên đến hơn chục năm.

Chu kỳ của cây táo từ khi ra hoa, tạo quả và cho thu hoạch là khoảng tháng 6 đến tháng 12 Dương lịch hàng năm. Thời điểm bận rộn nhất của người trồng táo là tầm tháng 2 và tháng 6. Trong đó, tháng 2 phải đốn cành sau thu hoạch và bón phân, tháng 6 là neo giằng cây để tạo tán và phòng tránh mưa bão làm lung lay cây, gây thất thoát quả, ảnh hưởng đến năng suất. Có những cây táo cho quả lớn, trọng lượng trung bình từ 6 – 8 quả mỗi kg.

Theo anh Tính chia sẻ: “Cây táo Đài Loan phù hợp với đất pha cát. Mỗi năm, vườn táo cho 1 vụ chính vào thời điểm cuối mùa Đông, đầu mùa Xuân. Thời điểm thu hoạch táo kéo dài trong vòng 2 tháng, đầu tháng 12 Âm lịch đến cuối tháng 1 năm sau. Đất ở vùng này tuy tốt nhưng lại thường xuyên bị ngập lụt. Nếu nước lũ lên mà rút chậm thì vườn táo cũng bị úng rồi chết. Nhưng tôi vẫn kiên trì trồng bổ sung và hy vọng đất sẽ không phụ công của người”.

Vườn táo của anh Tính đã cho thu hoạch được 4 năm, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Anh Tĩnh tâm sự: “Năm 2019, do chưa có kinh nghiệm, nên táo bị ruồi vàng đục quả, ảnh hưởng đến năng suất, trừ chi phí, tôi chỉ lãi được 20 triệu đồng. Năm 2020, mức lãi tăng lên 80 triệu đồng, và năm 2021 mưa thuận, gió hòa, cùng với sự dày công chăm sóc, có kinh nghiệm trong kỹ thuật nên vườn táo của tôi đã cho vụ thu hoạch bội thu, với lãi ròng lên đến 150 triệu đồng. Đến năm 2022, khi táo đến lúc thu hoạch lại gặp sương muối nên vườn táo bị hỏng gần hết nên thu nhập cũng không cao hơn năm 2021”.

Nhờ được chăm sóc tốt, táo cho chất lượng quả to, ngon, giòn và ngọt được khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi năm, vườn táo cho thu hoạch từ 5 – 6 tấn quả, với giá bán từ 20.000 – 40.000 đồng/kg tùy loại. Nếu du khách muốn vào vườn táo trải nghiệm, chụp ảnh anh Tính bán vé 20.000 đồng/người. Như vậy, mỗi năm anh Tính có thể thu về hơn 200 triệu đồng từ vườn táo.

Ngoài trồng để thu hoạch thì vườn táo của anh Tính đã thu hút hàng trăm vị khách đến tham quan, thưởng thức táo ngay tại vườn.

Anh Tính chia sẻ: “Để có quả táo ngon, đảm bảo chất lượng, tôi tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng ngay từ ban đầu. Trái nào hỏng sẽ được xử lý triệt để nhằm tránh mầm bệnh lây lan. Táo đến tay người dùng hoàn toàn sạch và khách hàng có thể sử dụng ngay tại vườn”.

Cũng theo anh Tính, thời tiết càng lạnh thì trái táo càng thêm ngon ngọt, có thể để lâu từ 7 – 10 ngày mà không bị hỏng. Khi hái táo, người chủ vườn cũng phải sử dụng kỹ thuật khéo léo, hái từng quả để không ảnh hưởng đến cả chùm.

Để cây phát triển tốt, cho quả thu hoạch vào đúng dịp Tết, anh Tính đã phải cắt tỉa bớt cành và không cho trái đậu quá nhiều. Ngoài ra, anh còn quan tâm tới việc điều tiết nước, phòng tránh ruồi vàng và một số loại sâu bệnh phổ thông… nhằm đảm bảo năng suất cho cây táo.

Mấy năm trồng táo, anh Tính tích lũy nhiều kinh nghiệm về đốn cây, phòng trừ các loại dịch hại, tỉa để tạo tán, kích cây ra hoa, tạo quả… để vườn táo cho quả sai, chất lượng ngày càng được nâng lên.

Ngoài trồng để thu hoạch thì vườn táo của anh Tính đã thu hút hàng trăm vị khách đến tham quan, thưởng thức táo ngay tại vườn và ghi lại những bức ảnh đẹp bên cạnh vườn táo trĩu quả. Sắp tới, anh Tính dự định phát triển vườn táo của mình thành điểm du lịch trải nghiệm. Anh sẽ làm thêm cột sắt kiên cố, nhà lưới để trồng thêm các loại hoa, để người dân đến mua táo có thể chụp hình livestream, check-in tại vườn. Ngoài ra, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật về quy trình trồng táo đại cho những người dân có nhu cầu nhằm giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn.

Chị Nguyễn Thị Hợi – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đức Thọ chia sẻ: “Táo đại là loại cây có nhiều triển vọng, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn một cách hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động, tuyên truyền bà con đến tham quan, học hỏi để phát triển, nhân rộng mô hình này”.

Hồng Văn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây