Hội thảo quốc tế “Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người”: Đổi mới, sáng tạo, lấy con người trung tâm

STNN – Từ 13 – 16/09/2022, Hội thảo quốc tế “Khoa học, Đạo đức và Phát triển con người” diễn ra tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Đây là một trong bốn sự kiện trọng điểm trong khuôn khổ Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững (IYBSSD) 2022.

Tập thể đại biểu tham dự Hội thảo – Ảnh: ICISE

Được trao danh hiệu “Sự kiện khởi đầu tại châu Á” cho chuỗi hoạt động của Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững (IYBSSD) 2022, Hội thảo được tổ chức với mục đích thúc đẩy thảo luận giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế về mối tương quan giữa khoa học và đạo đức, nền tảng cơ bản cho sự phát triển con người.

Đây cũng là sự tiếp nối cho các cuộc thảo luận ở hai hội thảo quốc tế “Khoa học Cơ bản và Xã hội” và “Khoa học để phát triển” đã được Tổ chức Khoa học và giáo dục Gặp gỡ Việt Nam (Hội GGVN) thực hiện vào năm 2016 và 2018.

Ban Tổ chức kì vọng Hội thảo lần này sẽ đi xa hơn với các thảo luận về vai trò của khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đối với sự phát triển bền vững của xã hội, trong đó yếu tố đạo đức và phát triển con người sẽ được nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, UV Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại phiên khai mạc – Ảnh: ICISE

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Việt Nam cần nỗ lực rất lớn trên hành trình phát triển nhanh và bền vững, biến những thách thức thành cơ hội để bứt phá, vươn lên, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Chúng tôi hiểu rằng, để thực hiện được những điều đó cần có sự đồng hành của cộng đồng khoa học Việt Nam và quốc tế. Thông qua chia sẻ tầm nhìn và định hướng phát triển của mình, chúng tôi mong muốn các vị khách quốc tế nhận thức đầy đủ hơn về quyết tâm và hành động mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực hướng khoa học tới mục tiêu cao nhất là phát triển toàn diện con người, nỗ lực phát triển nhanh và bền vững đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững của thế giới”.

Tại hội thảo, có 7 bàn tròn giới thiệu vai trò của Khoa học Đạo đức trong các chủ đề như: sức khỏe và thao tác gen, môi trường và đa dạng sinh học, phát triển bền vững, giáo dục khoa học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, hòa bình và giải trừ quân bị.

Ngoài ra, còn có hai bàn tròn đặc biệt. Thứ nhất, thảo luận giữa các nghị sĩ và những người tham gia hội nghị về cách thức các nghị viện có thể phát huy hiệu quả vai trò hoạch định chính sách của mình về việc sử dụng khoa học có đạo đức vì lợi ích xã hội và hòa bình, đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng, khi các quyết định quan trọng phải được thực hiện nhanh chóng và thường xuyên trong những điều kiện khó khăn. Thứ hai, về mối quan hệ giữa khoa học và hoạch định chính sách trong thời kỳ đại dịch. Bàn tròn này thảo luận chủ yếu về chất lượng và hiệu quả của các chính sách được các chính phủ áp dụng để bảo vệ người dân.

Một số nội dung chính được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UN) xác định trong Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững 2022:

Khoa học Cơ bản giúp xác định các cơ chế cho phép sử dụng kiến thức đúng đắn và thực hiện việc chuyển giao công nghệ. Các ngành khoa học cơ bản cũng cung cấp các công cụ thiết yếu để đảm bảo đối thoại đa văn hóa, ổn định chính trị và hòa bình, rất cần thiết cho việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) này. Chúng cung cấp các năng lực đào tạo và bí quyết cần thiết để áp dụng các đổi mới mà các quốc gia cần để chuyển từ các mục tiêu tổng quan sang các hành động hiệu quả.

Mặt khác, mặc dù tính lợi ích của khoa học được công nhận rộng rãi trong xã hội nhưng dường như vai trò và tiếng nói của các nhà khoa học vẫn chưa được chú trọng đúng mức trong các cuộc thảo luận để giải quyết các vấn đề lớn của xã hội cũng như trong việc xây dựng các chính sách có liên quan. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết lập các cầu nối giữa các chính khách, các nhà khoa học, các nhà ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các nhà kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách ở tất cả các cấp độ. Trong tinh thần này, các diễn giả và tham luận viên được mời trong hội thảo sắp tới, sẽ gồm có các đại diện cấp cao của các cộng đồng thuộc các lĩnh vực khác nhau (khoa học, chính trị, ngoại giao, dân sự,…).

Tính đa dạng của thành viên tham dự sẽ là yếu tố tích cực góp phần hữu hiệu vào việc thảo luận và đề xuất các giải pháp sử dụng khoa học và công nghệ một cách đạo đức vì sự phát triển của con người và xã hội. Tiến độ phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay đem đến cho xã hội những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, nhưng đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi về đạo đức và công bằng xã hội. Bởi vậy, việc tìm ra một sự cân bằng phù hợp giữa việc theo đuổi và áp dụng khoa học và công nghệ vì lợi ích xã hội và việc tôn trọng đạo đức ở một ranh giới quy định là điều cần thiết.

Mai Chi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây