Nhật Bản: Chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh

STNN – “Công cụ dự đoán tăng trưởng cây và năng suất trồng” do Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nhật Bản phát triển đã mở rộng thêm đối tượng là nhiều loại cây trồng, trong đó có bắp cải, rau diếp, bông cải xanh…

Nhật Bản: Chia sẻ dữ liệu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh
Hình minh họa – Nguồn: Freepik.

Ứng dụng đưa ra kết quả dự đoán năng suất và sự tăng trưởng của rau với độ chính xác cao

Vào tháng 01/2023, Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Thực phẩm và Nông nghiệp Nhật Bản (còn được gọi là Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nhật Bản) đã chính thức thông báo rằng, giao diện ứng dụng Internet “Công cụ dự đoán tăng trưởng cây và năng suất trồng” do Viện phát triển đã mở rộng thêm nhiều loại cây trồng, ngoài ba loại cây trồng trong nhà kính trước đó là cà chua, ớt và dưa chuột; sáu loại rau bao gồm bắp cải, rau diếp, bông cải xanh, rau chân vịt, hành tây và hành baro trồng ngoài trời đã được thêm vào danh sách.

Người sử dụng ứng dụng trên có thể nhận được kết quả dự đoán năng suất và sự tăng trưởng của rau với độ chính xác cao căn cứ vào các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ cụ thể tại địa phương, v.v. trong một khoảng thời gian, từ đó hướng dẫn phương pháp sản xuất và bán hàng một cách khoa học hơn.

Để phục vụ công cụ “Dự đoán năng suất và sản lượng cây trồng”, các dữ liệu cơ bản về nông nghiệp bao gồm: dữ liệu mô hình tăng trưởng và thu hoạch của các loại cây trồng khác nhau, cùng với dữ liệu môi trường như thời gian ánh sáng mặt trời và nhiệt độ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây trồng đã được cung cấp bởi “Nền tảng Hợp tác Dữ liệu Nông nghiệp” mà Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nhật Bản đã phát triển trong những năm gần đây.

Kể từ khi nền tảng chính thức được đưa vào sử dụng vào tháng 4/2019, nó đã thu hút hơn 500 doanh nghiệp, chính quyền địa phương, tổ chức nghiên cứu và các tổ chức ngành trở thành thành viên; và một lượng lớn dữ liệu nông nghiệp cơ bản được họ cùng nhau thu thập, chia sẻ. Thông qua các giao diện ứng dụng Internet như “Công cụ dự báo năng suất và tăng trưởng cây trồng”, nền tảng sẽ gửi thông tin liên quan đến các doanh nghiệp và nhóm phát triển ứng dụng dữ liệu nông nghiệp, hình thành mô hình dịch vụ Doanh nghiệp sản xuất – Doanh nghiệp phân phối – Người tiêu dùng.

Hiện tại, nền tảng này cũng cung cấp giao diện ứng dụng Internet cho lĩnh vực khí tượng, đất nông nghiệp, máy móc nông nghiệp, thuốc trừ sâu, phân bón cũng như chẩn đoán sâu bệnh hay chuỗi trồng, lưu thông và bán nông sản. Trên cơ sở đó, trong những năm gần đây, một số ứng dụng dịch vụ dữ liệu liên quan đến lưu thông, mua bán nông sản đã xuất hiện trong lĩnh vực nông nghiệp Nhật Bản. Các chương trình này phản ánh số liệu hiện tại và xu hướng thay đổi về doanh số thị trường, giá bán,… của các sản phẩm nông nghiệp cụ thể trong một hoặc nhiều khu vực thị trường; cung cấp cơ sở để các nhà phân phối xác định giá mua hàng và cũng có thể cung cấp thông tin tham khảo cho các nông hộ trong việc lập kế hoạch thu hoạch và xuất hàng.

Dự kiến tăng gấp đôi quy mô thị trường nội địa cho nông nghiệp thông minh vào năm 2028

Với việc triển khai và sử dụng các nền tảng dữ liệu như “Nền tảng hợp tác dữ liệu nông nghiệp”, việc chia sẻ dữ liệu nông nghiệp thông minh của Nhật Bản hiện đã bước vào giai đoạn ứng dụng thực tế. Chu Toàn, Giám đốc nghiên cứu của Tập đoàn Nomura Nhật Bản, người từ lâu đã tham gia nghiên cứu nông nghiệp thông minh, cho biết, mặc dù quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nông nghiệp Nhật Bản bắt đầu muộn nhưng trong những năm gần đây, việc dự đoán sản xuất nông nghiệp thông qua việc chia sẻ dữ liệu nông nghiệp và hướng dẫn phân phối nông sản đã có những bước tiến đáng kể.

Trong tương lai, Nhật Bản sẽ tiếp tục sử dụng kĩ thuật số để phục vụ quản trị và chuyển đổi nông thôn, đồng thời phát huy hơn nữa tiềm năng của mình trong các lĩnh vực giảm cường độ lao động nông nghiệp, nâng cao hiệu quả nông nghiệp và thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.

Theo báo cáo khảo sát của Viện Nghiên cứu kinh tế Yano của Nhật Bản, thị trường nông nghiệp thông minh của Nhật Bản sẽ đạt 30,3 tỷ yên vào năm 2022, tăng 22,4% so với năm trước. Số lượng người dùng nền tảng đám mây nông nghiệp tiếp tục tăng, đồng thời máy bay không người lái và công nghệ viễn thám vệ tinh nhằm giảm lượng phân bón cũng đang trở nên phổ biến.

Ngoài ra, để giảm bớt áp lực tiếp tục giảm “dân số nông nghiệp” và giảm cường độ lao động nông nghiệp, robot nông nghiệp cũng đã vượt qua các thử nghiệm thực nghiệm và sẽ bước vào giai đoạn xúc tiến thương mại trong tương lai. Báo cáo dự đoán rằng dựa trên sự tiến bộ của công nghệ truyền thông 5G trong tương lai, các công nghệ kĩ thuật số như quản lí tưới tiêu thông minh, robot nông nghiệp và viễn thám nông nghiệp có thể thúc đẩy hơn nữa việc phổ biến và ứng dụng nông nghiệp chính xác và nông nghiệp thông minh ở Nhật Bản, giúp Nhật Bản tăng gấp đôi quy mô thị trường nội địa cho nông nghiệp thông minh vào năm 2028.

Minh Dịu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây