Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững

STNN – Ngày 13/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững”.

Quang cảnh Hội thảo.

Đây là một trong nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong khuôn khổ “Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023”, được tổ chức từ ngày 11 đến 14/12, tại thành phố Vị Thanh.

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế, nhà xây dựng, hoạch định chính sách, chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp, hội, hiệp hội liên quan đến ngành hàng lúa gạo Việt Nam và quốc tế; các diễn giả từ Trường Đại học Cần Thơ, Viện nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), tổ Chức phát triển Hà Lan (SNV), các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trong nước và Quốc tế.

Hội thảo với mục đích nhận diện hiện trạng và định hình chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu Quốc tế và Việt Nam, những thành công, kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế tồn tại trong nội tại ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng như khó khăn thách thức của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Từ đó, định hướng xây dựng, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam minh bạch, trách nhiệm và bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên thị trường lúa gạo thế giới.

Các diễn giả chia sẻ về thách thức và cơ hội, bài học kinh nghiệm của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Đồng Văn Thanh, ngành hàng lúa gạo Việt hiện đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng và giá trị. Tuy nhiên, để khẳng định thương hiệu riêng cho hạt gạo Việt Nam và mang lại lợi ích tương xứng cho người trồng lúa, đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo một cách khoa học, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Vì vậy, thông qua hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân tích cực trao đổi để tìm ra những giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị lúa gạo minh bạch, trách nhiệm, bền vững, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, từng bước nâng tầm giá trị của sản phẩm lúa gạo Việt Nam trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.

Tỉnh Hậu Giang cam kết sẽ tiên phong trong các hoạt động hướng đến phát triển bền vững, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng lúa gạo xuất khẩu, tạo chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế; sẵn sàng mở cửa đón đầu tư và hợp tác quốc tế, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào quá trình phát triển ngành lúa gạo ở Hậu Giang.

Tại hội thảo, các tổ chức nghiên cứu, tổ chức phát triển, tài chính quốc tế cũng thể hiện sự cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Nhân Dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây