Quảng Ngãi: Nhiều chuyển biến tích cực sau 180 ngày cao điểm chống khai thác IUU

STNN – Sau 180 ngày cao điểm triển khai hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã chấp hành quy định pháp luật, chủ động trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), mỗi tàu cá ra khơi đều có Giấy phép khai thác thủy sản.

Ảnh minh họa.

Báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh hiện có 4.286 tàu cá, với tổng số lao động nghề cá khoảng 37.000 người. Thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU và khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả nhất định, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép.

Công tác quản lý tàu cá ngày càng chặt chẽ. Công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực thủy sản được thực hiện nghiêm túc. Tính đến nay, toàn tỉnh có 99,1% tàu cá có chiều dài trên 15m đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Công tác kiểm tra tàu các tại cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng phục vụ truy xuất nguồn gốc, cấp xác nhận, chứng nhận thủy sản được triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo theo quy định.

Theo Báo Chính phủ, trước đây, tại Quảng Ngãi từng có trường hợp tàu cá của ngư dân (trú tại xã Tịnh Kỳ) hoạt động sai tuyến, thiếu chứng chỉ nghề nghiệp, bị lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản và đình chỉ khai thác. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, hướng dẫn, ngư dân đã hiểu được hậu quả của việc khai thác sai quy định, nên đã tìm hiểu, học hỏi để nắm chắc và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi khai thác hải sản trên biển để không vi phạm IUU.

Ngư dân này cho biết: “Do chỉ quen với công việc biển khơi, ham kéo lưới, nên khi bắt đầu thực hiện các quy định, chúng tôi vẫn quên ghi nhật ký khai thác, còn để sóng biển văng vào làm nhòe chữ, hoặc ghi tọa độ thả lưới, thu lưới chưa chính xác. Dần dần có kinh nghiệm và đặc biệt ý thức trong việc phải chấp hành pháp luật đầy đủ, nên bây giờ anh em bạn thuyền chúng tôi đã làm tốt hơn”.

Một ngư dân khác thì chia sẻ, hơn 20 năm đánh cá xa bờ với nghề lưới vây, tàu ông chưa từng xâm phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, để thực thi đúng quy định theo hướng dẫn, tuyên truyền của Nhà nước, những năm gần đây, ông đặc biệt lưu ý đến việc ghi đầy đủ nhật ký khai thác, khai báo đầy đủ khi tàu cập bờ… Ông mong anh em ngư dân cả nước cùng đồng lòng thực hiện, không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU, để góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), từ đó giá trị thủy sản của ngư dân cũng được nâng cao.

Từ ngày được chính quyền, lực lượng chức năng tuyên truyền, hướng dẫn tận tình, hiện nay ngư dân Quảng Ngãi đều hiểu rõ và chấp hành quy định pháp luật trong khai thác hải sản trên biển để không vi phạm khai thác hải sản IUU, chung tay gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. “Hiện tàu chúng tôi đánh bắt ở vùng biển khơi đúng theo ngành nghề đăng ký, không đi sai vùng, lấn tuyến, vượt ranh giới cho phép. Đặc biệt, mỗi lần thả lưới, buông neo, tôi đều ghi chép đúng sản lượng khai thác và trình báo với cơ quan chức năng trước khi cập cảng”.

Tập trung cao điểm “tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển”; xử phạt triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua 180 ngày thực hiện đợt cao điểm chống khai thác IUU, bà con ngư dân đã chấp hành pháp luật tốt hơn rất nhiều. Các tàu đi về trong ngày cũng đăng ký thủ tục xuất nhập, và vào cảng cá chỉ định bốc dỡ thủy sản. Nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác bất hợp pháp (như sai vùng, sai tuyến), Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát. Qua đó, phát hiện một số trường hợp vi phạm, lập biên bản và xử lý theo quy định.

Hiện nay, hầu hết ngư dân hoạt động khai thác hải sản từ tuyến khơi đến tuyến lộng đều chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Bà con rất chủ động trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Mỗi tàu cá ra khơi đều có Giấy phép khai thác thủy sản. Báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh hiện có 4.544 tàu cá, trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 3.206, tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 970. Đến nay, số tàu cá có chiều dài 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình (đạt tỉ lệ 99,1%).

Đánh giá chung

Sau hơn 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU ở Việt Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, các Ban, Bộ, Ngành Trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để chống khai thác IUU và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích cực. Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đã có sự chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Bên cạnh đó, đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp để theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển. Tính đến nay, cả nước có 97,65% tàu cá có chiều dài trên 15m đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản 2017, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, EC đã ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Nguồn: fistenet.gov.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây