Sự trỗi dậy của thị trường bánh Trung thu sau đại dịch

STNN – Sau hai năm đại dịch hoành hành khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, hầu như mọi hoạt động lễ hội bị đóng băng. Năm nay, hoạt động tổ chức Trung thu được diễn ra sớm hơn, thị trường bánh Trung thu dường như cũng sôi động hơn.

Trên tuyến phố Nghi Tàm, nhiều thương hiệu bánh nổi tiếng được bày bán.

Trên các tuyến phố lớn ở Hà Nội, xuất hiện không ít các thương hiệu dựng quầy bán bánh Trung thu với đủ các chủng loại từ truyền thống đến hiện đại. Các thương hiệu bánh lớn quen thuộc như Kinh Đô, Hữu Nghị, Madame Hương,… tung các sản phẩm ra thị trường sớm hơn nhằm thu hút khách hàng.

Giá cả nguyên liệu có nhiều biến động và cao hơn những năm trước đó khoảng 10 – 20% nhưng nhìn chung mức tăng không nhiều do nhu cầu của người dân và một số cơ quan đơn vị, doanh nghiệp mua với số lượng lớn để làm quà biếu, tặng. Các quầy bánh mở bán sớm, giá cả lại hợp lý do thị trường hàng hóa đã có sự phân phối đồng đều từ khâu nguyên liệu cho đến vận chuyển.

Hình ảnh vào lúc 12 giờ trưa ngày cận tết Trung thu nhưng người dân vẫn xếp hàng chờ mua bánh Trung thu (phố Thụy Khuê, Hà Nội)
Có nhiều cửa hàng bán bánh Trung thu tại phố Thuỵ Khuê.

Cô N.T.P (58 tuổi) khách mua hàng tại tiệm bánh trung thu B.P. có tiếng tại Hà Nội chia sẻ: “Nhà cô ở Long Biên, nhưng năm nào tết Trung thu cô và con gái cũng đến đây mua. Mỗi lần mua là hơn chục hộp bánh, để mang về quê biếu, tặng. Con gái cô cũng mua để tặng cho đồng nghiệp trong công ty vì mọi người vẫn ưa chuộng vị bánh truyền thống.”

Bên cạnh đó, các món bánh handmade được bán online rất nhiều trên các trang mạng xã hội. Ưu điểm của những chiếc bánh này là được làm theo công thức mới với những sự đổi mới về nguyên liệu, từ nhân truyền thống: thập cẩm, đậu xanh, hạt sen đến các loại nhân mới theo trào lưu hiện đại.

Nắm bắt được tâm lý người dân hiện nay hướng đến lối sống “healthy”, các hương vị bánh Trung thu tốt cho sức khỏe ngày càng phong phú, mới lạ: từ bánh chay, bánh nhân rau củ, bánh nhân hạt đến sự kết hợp giữa nguyên liệu truyền thống nhưng được “làm mới” như bánh Trung thu nhân cốm hay bánh Trung thu sầu riêng,…

Những chiếc bánh Trung thu với hương vị mới lạ.

Bạn V.P.T (21 tuổi, Nhật Tân, Hà Nội) chia sẻ về việc các bạn trẻ hứng thú hơn với các hương vị bánh Trung thu mới lạ: “Do thế hệ gen Z đam mê những thứ mới mẻ nên luôn tìm kiếm những cái khác lạ. Món ăn là một trong số đó, và khẩu vị của giới trẻ cũng đa dạng hơn, thích trải nghiệm những chiếc bánh vị mới lạ.”

Bánh Trung thu được coi là món quà mang ý nghĩa văn hóa, không đơn thuần là một món ăn, mà còn là một thức quà để gắn kết tình cảm, thể hiện sự quan tâm tinh tế. Vì thế, bánh Trung thu không chỉ đa dạng về nhãn hàng, hương vị mà còn phong phú về hình thức, bao bì được thiết kế sang trọng, bắt mắt, trang nhã phù hợp cho mọi đối tượng khách hàng.

Những hộp bánh với thiết kế thanh nhã được khách hàng đặt với số lượng lớn.

T.N.A (nhân viên quán The G.A bakery) chia sẻ: “Trong tiềm thức của người Việt luôn có một mảnh ghép mang tên Trung thu – mảnh ghép gợi nhắc về sự sum họp, ấm áp. Tết Trung thu là tết đoàn viên của gia đình, của mọi nhà, và Trung thu chỉ thực sự vẹn tròn khi chúng ta được trở về với nguồn cội, ngồi bên người thân ăn miếng bánh, uống ngụm trà, trò chuyện thưởng trăng. Vì thế tiệm bánh The G.A Bakery thiết kế bộ quà tặng “Trung thu hội ngộ” với những hương vị giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, cùng với diện mạo mộc mạc, thoảng chút màu sắc cổ xưa nhưng cũng không kém phần trang trọng; hơn nữa giá thành phù hợp cho mọi đối tượng khách hàng, để mọi người có thể mua và thưởng thức những hương vị mới lạ.”

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ của người tiêu dùng, các nhà quản lý khuyến cáo người dân nên tìm mua sản phẩm của các cơ sở sản xuất uy tín, có hạn sử dụng rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh tin vào quảng cáo sản phẩm hấp dẫn nhưng hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Thu Hạnh

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây