Thoái vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam: Chuyện “thuận mua vừa bán”!

STNN – Câu chuyện cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam lình xình đã 7 năm nay vẫn chưa có hồi kết. Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam hôm 15/3, kịch tính của nó lại được trào sôi bởi ý kiến phát biểu của NSND Trà Giang khi bà nói về sự đổ nát, hoang tàn của Xưởng Phim truyện Việt Nam, nơi từng có 600 nghệ sĩ, nhân viên, làm hàng chục phim mỗi năm. Vậy đâu là bản chất và nút thắt của vấn đề? Cần giải quyết vụ việc này ra sao?

Hãng phim truyện Việt Nam trải qua 7 năm cổ phần hoá vẫn chưa xong.

Mọi lình xình bắt đầu từ năm 2015, khi Hãng phim truyện Việt Nam được cổ phần hoá và “rơi” vào “tay” quản lý của nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy – VIVASO. Việc cổ phần hoá này được dư luận cũng như công luận “soi” trong nhiều năm qua là “có vấn đề” và cái sự “có vấn đề” này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận theo Văn bản số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018.

Theo đó, những gì được cho là “sai phạm” trong việc cổ phần hoá này được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là: Giá trị đất đai và quyền, ưu thế sử dụng đất đai được định giá bằng 0; chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim; quá trình thực hiện vi phạm Luật Đấu thầu, chỉ có một nhà đầu tư là cổ đông chiến lược (Tổng công ty Vận tải thủy – VIVASO), không có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến sản xuất phim và văn hóa điện ảnh, không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu thực tiễn của một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực điện ảnh. (Về những gì được chỉ ra của Thanh tra Chính phủ chúng tôi sẽ bình luận trong những bài viết sau).

Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) xin rút vốn trước thời hạn. Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó vẫn chưa xảy ra mặc dù, không phải cho đến khi có Kết luận nói trên của cơ quan chức năng mà từ trước đó, người đứng đầu doanh nghiệp cổ đông chiến lược nói trên đã từng tuyên bố: Rất muốn thoái vốn để “về nghỉ hưu”.

Ngày 15/3, NSND Trà Giang “phát” đi ý kiến nói trên thì ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, kiểm tra thông tin về việc Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát.. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo các ngành tìm giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3/2023.

Ngày 20/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có thông tin cho báo chí: Mặc dù đã tích cực triển khai, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cổ phần hóa ở Hãng phim theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có khó khăn nhà đầu tư chiến lược là Công ty VIVASO “không hợp tác” trong việc thoái vốn tại Hãng phim truyện này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý I/2023 do Bộ VHTT&DL tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Phan Linh Chi cho rằng: “Tới thời điểm này, VIVASO chưa đưa ra được văn bản tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ về số tiền nhận lại khi thực hiện hoàn trả cổ phần cho Nhà nước”. Cùng lúc, Bộ này cho biết: Chưa tìm ra được nhà đầu tư chiến lược khác.

Ông Nguyễn Danh Thắng: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty ViVSO.

Về phản ánh nói trên của Bộ VHTT&DL, ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty VIVASO bày tỏ với PV STNN như sau:

“Trước khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin được thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam trước thời hạn. Điều này cho thấy, VIVASO đã sẵn sàng hợp tác với Bộ VHTT&DL trong việc thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ về việc kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng đã đồng ý để chúng tôi được thoái vốn trước hạn. Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng không có câu nào là thu hồi cổ phần của nhà đầu tư chiến lược.

Tuy nhiên, khi thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại triển khai theo hướng “thu hồi cổ phần của nhà đầu tư”. Trong khi đó khái niệm thoái vốn trong doanh nghiệp và thu hồi cổ phần là hoàn toàn khác nhau về bản chất. Bộ VHTT&DL đã có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành và Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã trả lời: Chưa đủ cơ sở pháp lý để thu hồi cổ phần của nhà đầu tư.

Thời gian vừa qua, Bộ VHTT&DL có yêu cầu chúng tôi tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ để hoàn trả tiền. Chúng tôi không rõ yêu cầu này được thực hiện trên cơ sở thu hồi cổ phần hay thoái vốn trước hạn?

Bên cạnh đó, ngay cả trường hợp thoái vốn trước thời hạn cũng gây rất nhiều khó khăn dù nhà đầu tư chúng tôi luôn sẵn sàng.

Cụ thể, sau khi đối chiếu các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi thấy rằng không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn việc thoái vốn trong doanh nghiệp dựa trên cơ sở tính toán chi phí hợp lý như yêu cầu của Bộ VHTT&DL. Trên thực tế, tại Việt Nam cũng chưa từng có tiền lệ để chúng tôi tham khảo.

Bản thân Bộ VHTT&DL cũng đã có nhiều văn bản xin ý kiến các bộ ngành nhưng Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã trả lời chưa đủ cơ sở pháp lý để thu hồi cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho VIVASO”.

Ông Thắng bày tỏ: “Mong muốn duy nhất của chúng tôi khi đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam là để vực dậy doanh nghiệp đã thua lỗ nhiều năm, được làm phim theo cơ chế thị trường, mong muốn doanh nghiệp phát triển để từ đó đem lại lợi nhuận cho công ty và đem lại cổ tức cho các nhà đầu tư”.

“Nếu Nhà nước không muốn chúng tôi đầu tư thì cho chúng tôi được thoái vốn theo các quy định của pháp luật hiện hành về thoái vốn trong doanh nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.

Như vậy, rõ ràng giải pháp mà Thanh tra Chính phủ đưa ra để giải quyết những tồn tại khi tiến hành cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam thực chất phải được hiểu là chuyện “thuận mua vừa bán” cổ phần của nhà cổ đông chiến lược. Và như thế, theo cơ chế thị trường, sao có thể yêu cầu họ sớm đưa ra được mức “chi phí hợp lý, hợp lệ để hoàn trả tiền cho nhà nước” như Bộ VHTT&DL đề nghị?

Hãng phim truyện Việt Nam, tiền thân là Doanh nghiệp Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngày 15/3/1953. Đến năm 1959, Hãng phim truyện Việt Nam chính thức ra đời, đặt trụ sở tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội. Đây chính là nơi sản xuất bộ phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam “Chung một dòng sông”, và sau đó là những tác phẩm xuất sắc như: “Chị Tư Hậu”, “Con chim vành khuyên”, “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17, ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đến hẹn lại lên”, “Sao tháng 8”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Đời cát”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Giải phóng Sài Gòn”…

Ngọc Kha

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây