Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương

STNN – Ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Báo cáo Thủ tướng, đồng chí Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng khoảng 9,14% (năm 2021 là 8,4%); quy mô nền kinh tế năm 2022 là 169.179 tỷ đồng (xếp thứ 11/63 toàn quốc); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (chiếm tỷ trọng trên 90%).

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 87.300 tỷ đồng (tăng 14,2%); giá trị hàng hoá xuất khẩu 11,45 tỷ USD (tăng 4,8%); hàng hoá nhập khẩu 8,42 tỷ USD (tăng 9,4%). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 52.100 tỷ đồng (tăng 5,7%). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán giao.

Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục trong vị trí tốp đầu cả nước; học sinh giỏi quốc gia có tiến bộ vượt bậc, đứng thứ 3 toàn quốc. Cuối năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

Tỉnh xác định quan điểm phát triển là: Tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương“.

Tỉnh xác định chiến lược phát triển gồm: Bốn trụ cột – ba nền tảng – một trung tâm, ba đô thị động lực – bốn trục phát triển.

Bốn trụ cột gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông nghiệp đa giá trị; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị.

Ba nền tảng gồm: Văn hóa và con người Hải Dương; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Một trung tâm và ba đô thị động lực gồm: Trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương và các đô thị động lực Chí Linh, Kinh Môn, Bình Giang.

Bốn trục phát triển gồm: Trục Bắc – Nam, trục Đông – Tây phía Bắc, trục Đông – Tây trung tâm, trục dọc các tuyến sông.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại hội nghị.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2023. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 sau khi được Thủ thướng Chính phủ phê duyệt, tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính, quản lý chặt chẽ, hiệu quả thu chi ngân sách; tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, báo cáo của tỉnh khá toàn diện và có trọng tâm; các kiến nghị cả về cơ chế, chính sách đến một số việc cụ thể. Phát biểu của lãnh đạo bộ, ngành rất tâm huyết đã bổ sung, gợi mở định hướng phát triển; đồng thời giải đáp khó khăn, vướng mắc của tỉnh.

Dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng năm 2022 KTXH Hải Dương vẫn đạt những kết quả nổi bật: GRDP tăng 9,14% (cao hơn bình quân cả nước, xếp thứ 27/63cả nước, thứ 8/11 vùng đồng bằng sông Hồng); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp, xây dựng 62,4% – Dịch vụ 28,9% – Nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,7%). Hiện, quy mô kinh tế Hải Dương xếp thứ 11/63 cả nước, thứ 5/11 vùng đồng bằng sông Hồng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH thời gian qua, đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh đó, tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Thu hút vốn FDI chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chưa có nhiều các dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao; Phát triển DN còn hạn chế; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh còn chậm, hiệu quả chưa cao; Đã cân đối được ngân sách nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; Để xảy ra các vụ việc vi quy định của Đảng, phạm pháp luật của Nhà nước, một số cán bộ phải kỷ luật Đảng, xử lý hình sự.

Nguyễn Long

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây