Vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ, của truyền thông trong việc nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường

STNN – Sáng ngày 21/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức thành công Hội thảo: “Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam”.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Giáo dục, truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng

Công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải có những chủ trương, biện pháp giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường.

Theo ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội Việt Nam: “Hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên. Hiện có hàng chục hội và tổ chức khoa học công nghệ đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường.”

TS. Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Trao đổi tại Hội thảo, TS. Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Hiện nay bảo vệ môi trường thiên nhiên là vấn đề được quốc tế xếp vào loại an ninh phi truyền thống, đã đang và sẽ trở thành vấn đề toàn cầu, cả thế giới và nhân loại phải chung tay giải quyết. Bảo vệ môi trường thiên nhiên trên phạm vi toàn cầu và ở Việt Nam sẽ có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Đó sẽ là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài của hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này.”

GS.TS. Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội KHKT An ninh vệ sinh lao động Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Cũng tại Hội thảo, GS.TS. Lê Vân Trình – Chủ tịch Hội KHKT An ninh vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng: “Công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay và đã có những chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”

Đề xuất các giải pháp tuyên truyền, nâng cao kỹ năng, kiến thức về bảo vệ môi trường

Nhận thức về tài nguyên nước, môi trường nước đối với sự tồn vong và sự phát triển bền vững của quốc gia – dân tộc, TS. Đào Trọng Tứ – Chuyên gia Tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam nhận định, nhận thức chung của xã hội vẫn cho rằng Việt Nam có nguồn tài nguyên nước phong phú. Tuy nhiên tài nguyên nước Việt Nam không phong phú và đang đứng trước những thách thức ngày càng tăng, suy giảm cạn kiệt về số lượng và chất lượng. Vì vậy, cần phải có những phương thức phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường nước về các nội dung như sau: Luật pháp liên quan đến tài nguyên nước, bảo vệ môi trường hiện hành; phương thức quản lý tài nguyên nước tổng hợp;… dưới hình thức các buổi diễn đàn thường niên, buổi hội thảo chuyên đề với các Hội thành viên do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức, xây dựng đề tài Phản biện và giám định xã hội về phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường nước,…

ThS. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Bàn về việc tăng cường các giải pháp tuyên truyền thông tin bảo vệ môi trường ven biển và đại dương ở Việt Nam, báo cáo tham luận của ThS. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam đã chỉ ra rằng, công tác tuyên truyền và thông tin trước đây đã có, song nhiều khi còn rất hình thức và chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta cần phải có những phương thức tuyên truyền, giáo dục cụ thể làm cho mọi người dân, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, các địa phương có biển nắm vững các quan điểm của Đảng trong phát triển kinh tế biển; về nội dung tuyền truyền, thông tin về vấn đề ô nhiễm môi trường biển và đại dương ở Việt Nam cần phải triển khai một cách toàn diện, đồng bộ; liên kết, phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên ngành chặt chẽ, hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương trong việc kiểm soát các nguồn trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; cần phải tiến hành nhiều chương trình giáo dục cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng;…

Để nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam về bảo vệ môi trường và ứng phó trước những biến đổi khí hậu, TS. Trần Văn Miều – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đề xuất giải pháp xây dựng chương trình huấn luyện gồm 6 nội dung, trong đó nhấn mạnh những vấn đề cơ bản về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu; kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và xây dựng lối sống xanh;…

Tựu trung, Hội thảo đưa ra các vấn đề chính liên quan đến bảo vệ môi trường, đề xuất các giải pháp giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường; nhấn mạnh vai trò của đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ, vai trò của truyền thông trong việc truyền tải các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường; tôn vinh những cá nhân xuất sắc đã đóng góp hết mình vào công cuộc xây dựng và giữ gìn môi trường Việt Nam.

Tin, ảnh: Mai Chi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây